Chiều 17/12, 590 học sinh lớp 9 THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp) kết thúc buổi học, cũng đồng thời hoàn thành tuần đầu tiên đến trường, kể từ 13/12. Trong tuần này, các em chủ yếu được kiểm tra, củng cố kiến thức chưa vững suốt thời gian học trực tuyến.
Hiệu trưởng Trương Thị Đẹp cho biết, trường có một học sinh sốt trên 37 độ và một em F1. Tất cả được xử lý theo hướng dẫn của Sở Y tế, các lớp học vẫn diễn ra bình thường.
Trường THCS Nguyễn Du tổ chức dạy hai buổi, từ ngày 16/12 có thêm lớp bán trú cho hơn 300 học sinh theo nhu cầu của phụ huynh. Các em ăn, nghỉ trưa tại trường tuân thủ quy định giãn cách. "Đến giờ ăn, các em được tách đôi để giữ khoảng cách, mỗi em có khay ăn và ly uống nước riêng. Giờ ngủ trưa, học sinh cũng được tách đôi lớp", cô Đẹp cho biết.
Tại THCS - THPT Hồng Hà, hơn 750 học sinh lớp 9 và 12 (gần 100%) tham gia học trực tiếp tại hai cơ sở quận Tân Bình và Gò Vấp. Trong đó, khoảng 100 em được trường tổ chức nội trú. Hiệu trưởng Hà Thị Kim Sa cho biết, đa số học sinh hào hứng khi được trở lại. Để đón học sinh, nhà trường đã kiểm tra toàn bộ phòng học, phòng nội trú, khu bếp ăn và diễn tập tình huống giả định khi có F0.
Tại cổng trường, học sinh được phân luồng kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế trước. Giờ ăn và giờ ra về được bố trí lệch ca, đảm bảo giãn cách trong lớp học và phòng nội trú. "Tuần đầu diễn ra suôn sẻ, chưa có tình huống nào phức tạp đáng kể. Hy vọng tình hình ổn định lâu dài để các em khác được đến trường học", cô Sa cho biết.
Tương tự, tại THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), 511 học sinh khối 12 cũng trải qua tuần học an toàn. Trước buổi học đầu tiên, trường ghi nhận 5 giáo viên và học sinh là F0, được cách ly và điều trị tại nhà. 28 học sinh khác diện F1 được học online.
Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo cho biết, trường trang bị các bộ kit test nhanh để kiểm tra tất cả trường hợp nghi ngờ. Giáo viên, học sinh có biểu hiện sức khoẻ không tốt được khuyến khích làm việc, học tập tại nhà. "Trước khi học sinh trở lại, chúng tôi rất lo. Qua tuần đầu tiên, có thể thở phào nhẹ nhõm mặc dù chặng đường phía trước còn dài", thầy Đảo chia sẻ.
Theo số liệu từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, tỷ lệ học sinh đến trường cao hơn con số 79% phụ huynh chấp thuận theo thăm dò trước đó. Chẳng hạn, tại quận 6, trên 94% học sinh khối 9 và gần 84% khối lớp 12 đi học. Tất cả trường hợp vắng mặt đều có lý do cụ thể.
Tại quận 8, tỷ lệ này ở hai khối là trên 93%. Do sĩ số học sinh trên mỗi lớp ở địa bàn này rất cao nên các trường không thể tách đôi lớp mà bố trí lại với tỷ lệ phù hợp. Còn tại quận Bình Tân, hơn 94% học sinh đến trường học trực tiếp, duy nhất một trường THCS chưa mở cửa.
Đến chiều 16/12, sau bốn ngày học trực tiếp, cơ quan chức năng cho biết đã phát hiện 8 F0 gồm sáu học sinh và hai giáo viên. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo một quận ngoại thành, khi phát hiện trường hợp F0, nhà trường di chuyển tất cả học sinh qua một phòng học khác, đồng thời tiến hành xịt khuẩn phòng học. Tiếp đó, trường xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, nếu có kết quả âm tính sẽ tiếp tục lớp học bình thường.
"Nhiều phụ huynh lo lắng, mong muốn con quay lại học trực tuyến khi trong lớp phát hiện trường hợp F0. Tuy nhiên, các trường đã xử lý đúng quy trình, động viên để giúp học sinh và phụ huynh yên tâm đi học", ông cho biết.
Trong tuần đầu tiên, các trường trung học triển khai thời khoá biểu linh hoạt, có giải pháp cho học sinh không thể đến trường.
Chẳng hạn, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ livestream tiết học cho học sinh là F0, F1 hoặc đang ở quê. Các em cũng được giao bài tập qua hệ thống học trực tuyến.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) dành riêng một phòng học trực tuyến với những tiết có giáo viên thuộc diện F0, F1 phải cách ly tại nhà. Ngược lại, với những em thuộc diện cách ly tại nhà hoặc phụ huynh chưa yên tâm cho đi học, trung tâm sẽ bố trí các em vào một thời khoá biểu riêng. Học sinh sẽ theo dõi giờ học trên lớp được phát trực tiếp.
Hiện, học sinh lớp 9 và 12 gần hoàn thành chương trình chính khoá theo phân bổ thời lượng học kỳ I. Thầy cô chủ yếu đang ôn tập kiến thức đã dạy online, đồng thời cho học sinh ôn thi học kỳ.
Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11) cho biết, để học sinh dễ nắm bắt kiến thức đã học trực tuyến, thầy cho ôn tập theo chủ điểm lý thuyết. Thầy trò còn ít nhất ba tuần để hệ thống lại kiến thức học kỳ I trước kỳ thi, dự kiến từ 10/1.
Do trường tách đôi lớp, bố trí ở hai phòng sát nhau nên thầy Phương phải sắp xếp giáo án cho phù hợp. Trong lúc cho một lớp làm bài tập, thầy sẽ sang lớp còn lại giảng lý thuyết. "Học sinh lớp 12 ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp nên các em học tập chăm chú, nghiêm túc", thầy Phương cho biết.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Vật lý THPT Nguyễn Du (quận 10) bố trí tiết "phụ đạo" online vào buổi tối. Theo đó, học sinh tất cả lớp do thầy phụ trách, nếu có bất cứ thắc mắc nào về bài học sẽ tham gia buổi học này để được giải đáp. Đây là giải pháp giúp học sinh ôn tập khi quỹ thời gian học trực tiếp trên lớp hạn hẹp, thầy trò ít có cơ hội gặp nhau sau giờ học do phải giữ khoảng cách an toàn.
Ngày 17/12, tổng kết tuần đầu thí điểm cho học sinh khối 9 và 12 trở lại trường, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Trí Dũng đánh giá, đa số trường tổ chức việc dạy học hiệu quả, đảm bảo an toàn.
Theo ông Dũng, khi học sinh trở lại trường, thầy cô phải thực hiện song song việc dạy học, công tác phòng chống dịch và hỗ trợ học sinh chưa thể đến trường. Lãnh đạo Sở nhìn nhận, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhà trường cần tạo tâm lý thoải mái cho giáo viên và học sinh.
Sau hai tuần thí điểm đi học lại, 13-25/12, TP HCM sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TP HCM quyết định việc tiếp tục mở rộng cho học sinh đến trường.