Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) gần đây công bố bản phân tích cho thấy hoạt động tác chiến điện tử của Nga đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn với các loại vũ khí thông minh của phương Tây viện trợ cho Ukraine, đặc biệt là bom dẫn đường JDAM của Mỹ.
"Hoạt động gây nhiễu của Nga không khiến bom JDAM ngừng hoạt động, song gây ảnh hưởng tới độ chính xác của chúng", chuyên gia Thomas Withington viết trong báo cáo của RUSI.
Dù Mỹ có thể nâng cấp tính năng chống gây nhiễu cho bom JDAM, các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Mỹ và phương Tây có thể bị vô hiệu hóa khi hệ thống tác chiến điện tử Nga, được ví như "sát thủ vô hình" trên chiến trường, can thiệp vào tín hiệu dẫn đường GPS từ vệ tinh.
Trong các tài liệu mật bị rò rỉ hồi tháng 4, Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại hệ thống gây nhiễu Nga đang làm giảm độ chính xác của vũ khí dẫn đường Mỹ, trong đó có bom JDAM và rocket dẫn đường của pháo phản lực HIMARS.
Ảnh hưởng đối với JDAM được các chuyên gia đánh giá là đặc biệt lớn, do đây là loại bom thông minh đơn giản và rẻ tiền nhất mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine. JDAM là loại bom thông thường kiểu cũ được gắn cánh điều hướng và hệ thống dẫn đường GPS để tăng độ chính xác, đồng thời tiết kiệm chi phí đáng kể so với các loại vũ khí thông minh khác.
Ukraine có thể sản xuất vũ khí dẫn đường tầm xa bằng cách gắn các bộ cải hoán JDAM lên bom kiểu cũ, với chi phí bằng một phần nhỏ so với chế tạo mới các loại bom, đạn tầm xa chính xác mà họ đang thiếu.
Phiên bản JDAM-ER tăng tầm với khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa 80 km cho phép chiến đấu cơ Ukraine triển khai đòn tập kích từ bên ngoài tầm bắn của một số tổ hợp phòng không Nga.
Loại bom này cùng rocket HIMARS và các loại vũ khí dẫn đường khác mà phương Tây viện trợ ban đầu được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để Ukraine cân bằng ưu thế về hỏa lực của Nga.
Tuy nhiên, sau những tổn thất ban đầu, lực lượng Nga dường như đã tìm ra biện pháp khắc chế các loại vũ khí có độ chính xác cao này bằng tác chiến điện tử, loại hình mà quân đội Nga đã dành rất nhiều nỗ lực để phát triển.
Chuyên gia Withington cho biết R-330Zh Zhitel, tổ hợp tác chiến điện tử di động đặt trên xe tải của Nga, được thiết kế chuyên làm gián đoạn tín hiệu GPS và kết nối vệ tinh trong dải tần số 100 MHz đến 2 GHz.
"Các bộ công cụ cải hoán bom thường thành JDAM của Mỹ sử dụng thiết bị nhận tín hiệu GPS trên dải sóng 1,164-1,575 GHz. Toàn bộ dải sóng này nằm trong biên độ gây nhiễu của tổ hợp Zhitel", ông nhận định.
Phạm vi hoạt động của Zhitel lên tới hơn 46 km, công suất gây nhiễu đạt 10 kW, mạnh hơn đáng kể so với tín hiệu GPS đến từ không gian. "Bộ thu tín hiệu GPS trên bom JDAM hay rocket HIMARS càng gần ăng-ten của Zhitel bao nhiêu, tín hiệu gây nhiễu càng mạnh bấy nhiêu", Withington giải thích
Trên lý thuyết, mô-đun chống tín hiệu gây nhiễu của JDAM được phát triển từ những năm 2000 có thể đảm bảo loại bom dẫn đường này chỉ thu nhận tín hiệu GPS quân sự được mã hóa theo chuẩn M-Code của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga vẫn có thể làm quá tải tín hiệu GPS của JDAM bằng những chùm sóng gây nhiễu cực mạnh.
Nga cũng có thể chặn thu tín hiệu M-Code, sau đó chỉnh sửa rồi phát lại tới bộ thu GPS trên bom JDAM, khiến bom đánh trượt mục tiêu. Việc sử dụng tín hiệu GPS từ nhiều vệ tinh cùng lúc để tránh bị gây nhiễu có thể phản tác dụng khi Nga triển khai nhiều tổ hợp tác chiến điện tử can thiệp.
Nỗ lực gây nhiễu tín hiệu định vị GPS là một phần chiến dịch tác chiến điện tử quy mô lớn của lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine. Chiến dịch này còn làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và hoạt động của máy bay không người lái (UAV) Ukraine.
"Lực lượng Nga hiện bố trí hệ thống tác chiến điện tử trên tiền tuyến theo mô hình các trạm chính cách nhau 10 km. Chúng thường nằm cách chiến tuyến khoảng 7 km", theo báo cáo của RUSI. Hoạt động gây nhiễu này khiến Ukraine mất tới 10.000 UAV các loại mỗi tháng.
Báo cáo của RUSI cũng đánh giá lực lượng tác chiến điện tử Nga có năng lực cao trong chặn thu và giải mã thông tin liên lạc vô tuyến của Ukraine. Nga nhiều lần chặn thu tín hiệu vô tuyến của đơn vị Ukraine yêu cầu chi viện hỏa lực pháo binh, cho phép các chỉ huy Nga lập tức cảnh báo đơn vị dưới quyền về đòn tập kích sắp trút xuống để họ có thời gian ẩn nấp.
Tuy nhiên, hoạt động tác chiến điện tử của Nga cũng bộc lộ một số hạn chế. Các chuyên gia của RUSI nhận định một số tổ hợp Zhitel bị lộ vị trí khi phát tín hiệu gây nhiễu, có thể khiến Ukraine phát hiện và tấn công chúng. Ngoài ra, các chùm tia gây nhiễu mạnh đôi khi làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và định vị vệ tinh của chính lực lượng Nga.
"Hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga truyền một số tín hiệu tương tự GPS", chuyên gia Withington nhận định, đồng thời cho biết "có bằng chứng cho thấy các đơn vị Nga thường xuyên tập kích nhầm vào đồng đội mỗi khi lực lượng tác chiến điện tử hoạt động".
Theo chuyên gia này, hiện tượng "quân ta bắn quân mình" xảy ra do lực lượng tác chiến điện tử Nga khi chế áp đối phương ít quan tâm đến việc hoạt động của họ làm gián đoạn tín hiệu của đơn vị bạn.
Withington nhận định JDAM trở nên ngày càng kém hiệu quả ở Ukraine vì hoạt động tác chiến điện tử của Nga, nhưng không vì thế mà nó trở nên lỗi thời, vì chiến tranh luôn là cuộc đua công nghệ giữa các bên để tìm cách khắc chế lẫn nhau.
"Các kỹ sư Mỹ có thể phải suy nghĩ về cách đảm bảo khả năng vận hành của bom JDAM trong chiến tranh tương lai, dựa trên kinh nghiệm mà họ thu được từ xung đột Nga - Ukraine", chuyên gia này kết luận.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)