Oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider đầu tiên của Mỹ cất cánh từ đường băng thuộc Nhà máy số 42 của tập đoàn Northrop Grumman tại Palmdale, bang California, sáng 10/11 và đáp xuống căn cứ không quân Edwards sau đó khoảng một giờ.
Phi cơ bay trong trạng thái thả càng, quy tắc thường áp dụng trong chuyến bay đầu tiên của mọi loại máy bay, và được hộ tống bởi một tiêm kích F-16. Chiếc B-21 Raider mang theo nhiều cảm biến, trong đó có cụm dây neo và cảm biến không khí kéo sau đuôi.
"Dòng B-21 Raider đang bước sang giai đoạn bay thử. Đây là bước quan trọng với quá trình thử nghiệm nhằm cung cấp dòng máy bay tầm xa, có khả năng sống sót và tấn công vào sâu trong lãnh thổ đối phương để răn đe, ngăn ngừa những hành động hung hăng nhằm vào Mỹ, đồng minh và đối tác", phát ngôn viên không quân Mỹ Ann Stefanek cho hay.
Chuyến bay đầu tiên của dòng B-21 được chờ đợi suốt nhiều năm qua. Dự án liên tục bị chậm tiến độ vì nhiều lý do, trong đó có ảnh hưởng của Covid-19. Máy bay khởi động lần đầu hồi tháng 7 và bắt đầu thử nghiệm động cơ trên mặt đất sau đó hai tháng.
Tập đoàn Northrop Grumman đang chế tạo ít nhất 5 chiếc B-21, chúng cũng sẽ được chuyển đến căn cứ Edwards để thành lập đơn vị thử nghiệm chuyên biệt.
B-21 Raider (Kẻ tập kích), còn có biệt danh "sát thủ tàng hình", là mẫu oanh tạc cơ đầu tiên được Mỹ ra mắt kể từ thập niên 1980, thời điểm dòng B-2 Spirit được đưa vào biên chế. Nhà sản xuất tuyên bố đây là "oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 6 đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới".
Dù tính năng chưa được tiết lộ nhiều, B-21 nhiều khả năng được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân, khả năng hoạt động tầm xa, mang theo nhiều vũ khí và có thể sẽ có năng lực tự động hóa. Ngoài mang nhiều bom đạn, nó được cho là oanh tạc cơ thông minh về cảm biến, mạng kết nối và năng lực hợp nhất dữ liệu cùng khả năng phát động chiến tranh điện tử và trinh sát.
Không quân Mỹ dự kiến đặt mua khoảng 100 máy bay B-21, nhằm thay thế oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer và B-2 Spirit trong hàng chục năm tới. Mỗi chiếc B-21 có giá xuất xưởng gần 700 triệu USD, chưa kể chi phí nghiên cứu và sản xuất, trong khi toàn bộ dự án có trị giá khoảng 203 tỷ USD.
Vũ Anh (Theo Drive)