"Oanh tạc cơ Tu-22M3 và tiêm kích MiG-31K mang tổ hợp tên lửa Kinzhal đã triển khai đến sân bay Hmeymim ở Syria, chuẩn bị tham gia cuộc tập trận liên hạm đội của hải quân Nga ở phía đông Địa Trung Hải. Các phi cơ đã vượt quãng đường hơn 1.500 km từ căn cứ nhà", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết hôm qua.
Hình ảnh do quân đội Nga công bố cho thấy ba oanh tạc cơ Tu-22M3 cùng một tiêm kích MiG-31K đáp xuống sân bay Hmeymim. Biên đội Tu-22M3 đeo tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-22 dưới bụng, trong khi chiếc MiG-31K không mang quả đạn Kinzhal nào.
Oanh tạc cơ Tu-22M3 có nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay Mỹ. Với bán kính chiến đấu 2.500 km khi mang 10 tấn vũ khí, oanh tạc cơ Tu-22M3 có thể thoải mái hoạt động trên Biển Đen, phần lớn Địa Trung Hải, vươn tới toàn bộ khu vực đông bắc châu Phi và gần như toàn bộ Trung Đông.
Vũ khí chính của Tu-22M3 là ba tên lửa hành trình diệt hạm hạng nặng Kh-22 với tầm bắn 600 km. Tên lửa Kh-22 cũng có phiên bản kết hợp radar với hệ thống định vị, cho phép tấn công mục tiêu cố định như cảng biển và sân bay.
Điều này giúp Moskva củng cố khả năng răn đe và tiến công lực lượng tàu mặt nước của NATO, cũng như các căn cứ hải quân và không quân, cơ sở hạ tầng trên các đường bờ biển trong khu vực.
Kh-47M2 "Kinzhal" (Dao găm) là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin ra mắt hồi đầu tháng 3/2018, được đánh giá có khả năng răn đe cao và đủ sức đánh bại mọi hệ thống phòng thủ hiện có. Nhiệm vụ chính của nó là diệt hạm, nhưng cũng có thể tấn công mục tiêu trên mặt đất.
Kinzhal ứng dụng đường bay như tên lửa đạn đạo trong pha giữa, kết hợp cơ động mạnh để tránh lá chắn tên lửa đối phương. Tầm bắn tối đa tới 2.000 km của tên lửa giúp tiêm kích MiG-31K không phải xâm nhập lưới phòng không quanh mục tiêu, bảo đảm an toàn cho phi công và máy bay. Kinzhal có tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh, mang được đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.
Đợt tập trận được tổ chức 10 ngày sau khi ba nhóm tàu sân bay NATO diễn tập hiệp đồng trên Địa Trung Hải, trong đó nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Harry S. Truman cùng di chuyển, huấn luyện với nhóm tàu Charles de Gaulle của Pháp và Cavour của Italy trong ngày 6-7/2. "Hoạt động thể hiện sức mạnh của quan hệ đối tác hàng hải giữa ba quốc gia", thông cáo của hải quân Mỹ có đoạn.
Hải quân Mỹ cuối tháng trước yêu cầu nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman ở lại Địa Trung Hải, thay vì vượt kênh đào Suez để tới Trung Đông như kế hoạch trước đó. "Hoạt động cắm chốt này được tiến hành theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với an ninh khu vực và trấn an các đồng minh châu Âu", quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Vũ Anh (Theo TASS)