Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ sáng 6/11, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tasco cho biết, công ty này sẽ thí điểm lắp đặt 3 trạm thu phí không dừng tại dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An); đoạn qua tỉnh Quảng Bình và quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông trước tháng 2/2015. Sau đó, sẽ nhân rộng nhiều trạm thu phí trên toàn tuyến theo tiến độ hoàn thành của các dự án trong năm 2015 - 2016.
Trên dọc tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 14, các nhà đầu tư đang triển khai 23 dự án mở rộng, nâng cấp đường theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 56.855 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Nhà đầu tư các tuyến đường này sẽ tiến hành thu phí để hoàn vốn bằng hệ thống thu phí không dừng.
Theo ông Dũng, các phương tiện sẽ được cấp miễn phí thẻ định danh e-Tag lúc đăng kiểm. Khi qua các trạm, thẻ định danh sẽ tích hợp với thiết bị thu phí, trừ tiền tự động vào tài khoản ngân hàng của chủ xe.
"Song song với thiết bị thu phí tự động, chúng tôi vẫn tiến hành thu phí lượt để phục vụ chủ phương tiện chưa có thẻ định danh", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Công ty CP Tasco cho rằng, mỗi tháng trung bình có 200.000 xe được đăng kiểm nên kiến nghị Bộ Giao thông cần triển khai cấp thẻ định danh sớm và xây dựng một công ty điều hành chung cho các dự án BOT quốc lộ 1 và quốc lộ 14.
Theo Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, 23 dự án BOT trong "đại dự án" mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 14 thuộc diện trọng điểm quốc gia với mục tiêu hoàn thành toàn bộ vào cuối 2015. Đây là mục tiêu rất căng thẳng song Bộ Giao thông đang kiểm soát được tiến độ.
Ông Thăng cho rằng, thời gian chỉ còn hơn một năm đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng kiểm soát chất lượng, tiến độ. Ngân hàng BIDV cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để giải ngân đúng thời hạn, nếu không dự án sẽ đình trệ (hiện BIDV tài trợ cho 12 dự án BOT với số tiền vay hơn 17.000 tỷ đồng). Chủ đầu tư trạm thu phí phải nhanh chóng lắp đặt thiết bị để kịp thời vận hành cùng tuyến đường.
Theo ông Thăng, Bộ Giao thông cũng đã thành lập hội đồng nghiệm thu các dự án theo đúng quy trình với mục tiêu chất lượng là số một. Bộ sẽ kiên quyết xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu thi công không đảm bảo.
"Khi huy động nguồn lực xã hội hóa, có người đã hỏi tôi tại sao không đi vay ODA mà huy động BOT. Song chủ trương huy động nguồn lực từ xã hội là rất cần thiết, dự án mở rộng quốc lộ 1 theo hình thức BOT đã được nhiều doanh nghiệp, người dân đồng tình ủng hộ", ông Thăng nói.
Bộ Giao thông được giao sử dụng vốn nhà nước, vốn xã hội hóa để mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1. Dự kiến năm 2015, dự án sẽ hoàn tất một số đoạn trọng điểm, đến 2020 sẽ hoàn thành toàn tuyến với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp với chiều rộng nền đường 20,5 m, có dải phân cách cứng giữa 2 chiều xe chạy. Theo tính toán của Bộ Giao thông, nếu đầu tư bằng vốn ngân sách cho tuyến đường 4 làn xe sẽ phải chi khoảng 120.000 tỷ đồng. Theo đề án tổng thể huy động vốn và xây dựng, tiến độ thực hiện, dự kiến với chiều dài 1.700 km quốc lộ 1 sẽ huy động xã hội hóa mở rộng 1.000 km đường, còn lại khoảng 700 km sẽ dùng vốn ngân sách. Các tuyến đường đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách theo hình thức BOT thì phải thu phí hoàn vốn. Dự kiến sẽ có 21 trạm thu phí với khoảng cách theo quy định của Bộ Tài chính là cách nhau tối thiểu 70 km, không thu phí kéo dài quá 25 năm. |
Đoàn Loan