Trao đổi với báo chí chiều 2/4, Thứ trưởng Giao thông Vật tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, quốc lộ 1 từ Hà Nội đến TP HCM đã có nhiều đoạn xuống cấp, lưu lượng xe dày đặc, có đoạn lưu thông 20.000 đến 30.000 xe một ngày đêm nên ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, mất an toàn giao thông.
Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ dùng vốn nhà nước, vốn xã hội hóa để mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 lên 4 làn xe. Dự kiến năm 2016, dự án sẽ hoàn tất một số đoạn trọng điểm, đến 2020 sẽ hoàn thành toàn tuyến.
Theo tính toán của Bộ Giao thông, nếu đầu tư bằng vốn ngân sách cho tuyến đường 4 làn xe sẽ chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng, đây sẽ con số không nhỏ đối với ngân sách. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ phải đưa ra phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm.
Trạm thu phí của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Đ.L. |
Bộ Giao thông đã xây dựng đề án tổng thể huy động vốn và xây dựng, tiến độ thực hiện. Dự kiến với chiều dài 1.700 km quốc lộ 1 sẽ huy động xã hội hóa mở rộng 1.000 km đường, còn lại khoảng 700 km sẽ dùng vốn ngân sách.
Về phương án thu phí, thứ trưởng Trường khẳng định, các tuyến đường đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách theo hình thức BOT thì phải thu phí hoàn vốn. Dự kiến sẽ có 21 trạm thu phí với khoảng cách theo quy định của Bộ Tài chính là cách nhau tối thiểu 70km, không thu phí kéo dài quá 25 năm.
“Qua tính toán, mức phí khoảng 20.000 đồng cho mỗi xe con qua một trạm là chấp nhận được. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã phê duyệt xong đề án đặt các trạm BOT để phù hợp với quy định đó, nên không có chuyện dày đặc các trạm thu phí trên quốc lộ 1”, thứ trưởng Trường bày tỏ.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông cho rằng, thu phí qua các trạm BOT không chỉ để hoàn phí đầu tư mà còn dùng tiền để duy trì duy tu sửa chữa các tuyến đường BOT mà không dùng quỹ bảo trì đường bộ. Còn quỹ bảo trì sẽ dành duy tu những tuyến đường nhà nước đầu tư. Do vậy, không có chuyện phí chồng phí. Khi tuyến đường được nâng cấp sẽ bù đắp cho doanh nghiệp về thời gian vận tải, như tuyến cao tốc TP HCM -Trung Lương, các xe đi trên cao tốc rất nhiều cho dù thu phí cao, bởi tuyến Trung Lương cũ thường xuyên bị tắc nghẽn.
"Tôi nghĩ rằng thu phí không làm khó cho doanh nghiệp, thậm chí còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tai nạn cũng giảm hơn”, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận định.
Mới đây, Bộ Giao thông đã ký kết một loạt hợp đồng BOT với các chủ đầu tư để mở rộng, cải tạo nhiều đoạn quốc lộ 1. Tại dự án mở rộng đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An), nhà đầu tư sẽ được thu phí tại trạm Hoàng Mai trong thời gian 20 năm. Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai dài 125 km được cải tạo mới với tổng đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2014. Chủ đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn qua trạm thu phí Sông Phan trong 22 năm…
Tuyến quốc lộ 1 sau khi mở rộng sẽ có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp với chiều rộng đường nền đường 20,5m, có dải phân cách cứng giữa 2 chiều xe chạy. Đối với các đoạn qua đô thị trước mắt chỉ đầu tư với quy mô tương tự đoạn ngoài đô thị. Việc phân kỳ đầu tư sẽ chia thành các đoạn, theo thứ tự ưu tiên theo nhu cầu cấp thiết và khả năng huy động vốn để lập dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đoàn Loan