Ngày 2/3, đại diện Bộ Nội vụ cho hay Bộ này đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
Theo đó, dự thảo không đưa chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng.
"Trước đây quy định rõ là công chức, viên chức phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giờ chỉ quy định trình độ đáp ứng được công việc", ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Công chức Viên chức, giải thích.
Ông cho hay điểm mới của dự thảo Thông tư nhằm triển khai các luật và nghị định liên quan, thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Theo dự thảo Thông tư mới, những trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn tại các cơ sở đào tạo đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học (ví dụ tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3), tương ứng với yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng thì công chức được sử dụng bằng tốt nghiệp đó thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Các trường hợp đã được miễn thi ngoại ngữ, tin học trong kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch, thăng hạng thì công chức, viên chức sẽ không còn phải nộp chứng chỉ.
Ông Long nói thêm, tùy từng vị trí việc làm, các cơ quan sẽ xây dựng điều kiện tương ứng, như công chức làm ở vụ Hợp tác Quốc tế của các Bộ, tiếng Anh có thể phải bậc 6 chứ không ở bậc 2,3; hay các cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không cần thiết phải có chứng chỉ tiếng Anh, tin học, vì "trong điều kiện khó khăn, động viên các cháu đến trường mới là quan trọng nhất"...
Yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch, thăng hạng đối với công chức, viên chức đã có lâu nay và gây nhiều bất cập. Tuy nhiên, theo ông Long, dự thảo Thông tư lần này bỏ các điều kiện chứng chỉ không có nghĩa là công chức, viên chức không cần trình độ ngoại ngữ, tin học.
"Trình độ vẫn cần nhưng ở vị trí việc làm nào thì phải đáp ứng yêu cầu của vị trí đó, công chức làm hợp tác quốc tế yêu cầu phải khác với làm văn thư lưu trữ, và quan trọng nhất là phải xuất phát từ nhu cầu tự thân, muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải có trình độ, phải học hỏi", ông Long nói.
Khi được ban hành, dự thảo Thông tư nêu trên sẽ áp dụng với công chức ngạch hành chính từ cấp huyện trở lên và viên chức lưu trữ. Còn công chức, viên chức ngạch khác như thanh tra viên, kiểm toán viên..., thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan quản lý chuyên ngành nên các cơ quan này sẽ ban hành quy định cụ thể.
Trước đó ngày 2/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm bốn thông tư 01, 02, 03, 04, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông công lập. Nhiều nút thắt đã được tháo gỡ, trong đó có việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên, kể từ ngày 20/3, khi thông tư có hiệu lực.