Ngày 21/12 là điểm chí cuối cùng của năm 2020, đánh dấu người dân ở Bắc bán cầu trải qua ngày đầu tiên của mùa đông và hạ chí đến ở Nam bán cầu. Đây cũng là ngày hai hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời đến gần nhau trên bầu trời trong sự kiện "đại trùng tụ", thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu.
Sao Mộc và sao Thổ ở cách nhau hàng trăm triệu kilomet trong vũ trụ. Tuy nhiên, hôm 21/2, hai hành tinh khí khổng lồ dường như nằm sát nhau khi nhìn từ Trái Đất sau khi Mặt Trời lặn. Các đài quan sát và người yêu thiên văn trên khắp thế giới theo dõi sự kiện "đại trùng tụ" do mức độ hiếm gặp của nó. Cứ 20 năm một lần, sao Mộc và sao Thổ lại "gặp gỡ" nhau trên bầu trời. Lần này, hai hành tinh trông như chỉ cách nhau chưa tới 1/10 độ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 800 năm, khoảng cách giữa hai hành tinh khi nhìn từ Trái Đất gần tới vậy, theo NASA.
Nhà chức trách từ di chỉ khảo cổ Newgrange ở Ireland và Stonehenge ở Anh phát trực tiếp cảnh tượng hôm 21/12 vì những công trình này được xây dựng theo điểm chí. Nhà vật lý thiên văn Gianluca Masi, nhà sáng lập Dự án Kính viễn vọng ảo, cũng phát sóng sự kiện "đại trùng tụ" từ mái nhà của ông ở Rome, Italy. Masi cho biết có thể quan sát 3 mặt trăng Callisto, Ganymede và Io ở bên trái của sao Mộc cùng với mặt trăng Europa ở phía bên phải.
An Khang (Theo Space)