Thứ sáu, 24/1/2025
Thứ sáu, 25/11/2022, 19:55 (GMT+7)

'Sao Hỏa ở Trái Đất' biến thành núi rác

ChileSa mạc Atacama, nơi cảnh quan giống sao Hỏa nhất trên Trái Đất, đang bị đe đọa bởi rác từ khắp thế giới.

Ôtô cũ hỏng chất đống ở bãi rác Los Verdes tại sa mạc Atacama, cách thành phố Iquique khoảng 30 km về phía nam, ngày 12/11.

Hàng núi quần áo, giày dép, lốp xe phế thải và ôtô đang chất đầy tại ít nhất ba khu vực của sa mạc Atacama, miền bắc Chile. "Chúng tôi không chỉ là bãi rác địa phương, mà tệ hơn, còn là bãi rác thế giới nữa", Patricio Ferreira, thị trưởng thành phố sa mạc Alto Hospicio, nói.

Atacama, sa mạc mang vẻ đẹp như ở hành tinh khác với những cánh đồng muối trải rộng, cũng đang trở thành công trường khai thác đồng và lithium.

Carmen Serrano, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường Endemic Roots, cho hay nhiều người coi Atacama như "đồi trọc", nơi họ có thể "rút cạn tài nguyên và lấp đầy túi tiền".

Hàng trăm lốp xe hỏng bên đường quốc lộ Panamerican ở Antofagasta, cách thủ đô Santiago khoảng 1.380 km, ngày 9/11.

Chile lâu nay là trung tâm quần áo cũ và quần áo không bán được từ châu Âu, châu Á và Mỹ. Số quần áo này sẽ được bán lại ở châu Mỹ Latinh hoặc đưa vào bãi rác trên sa mạc. Năm ngoái, 46.000 tấn quần áo đã qua sử dụng được đưa vào khu thương mại tự do Iquique ở phía bắc Chile.

Theo các nhà khoa học, quần áo phế liệu chứa đầy hóa chất và mất tới 200 năm để phân hủy, gây ô nhiễm đất, không khí và nước ngầm. Đôi khi chúng còn tự bốc cháy.

Luật sư Paulina Silva kiểm tra bãi rác quần áo cũ ở La Pampa, Alto Hospicio, cách thành phố cảng Iquique 10 km về phía đông, ngày 11/11.

"Vải rất dễ cháy và phát ra khí độc hại", Paulin Silva, 34 tuổi, nhà hoạt động môi trường, người đã đệ đơn khiếu nại lên tòa án môi trường về thiệt hại do núi rác và quần áo cũ gây ra, nói.

"Tôi cho rằng chúng ta cần tìm kẻ phải chịu trách nhiệm", cô nói, đứng giữa núi đồ bị vứt bỏ mà Silva nhận định là "nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro với môi trường và sức khỏe con người".

Lốp xe phế liệu ở khu dân cư La Negra, cách thành phố cảng Antofagasta khoảng 20 km về phía đông, ngày 9/11.

Ôtô đã qua sử dụng tràn vào Chile thông qua khu thương mại tự do. Nhiều chiếc xuất khẩu sang Peru, Bolivia hay Paraguay, trong khi những chiếc khác cuối cùng bị vứt bỏ ở các nghĩa địa rộng hàng km trong sa mạc. Lốp xe phế thải nằm rải rác trên sa mạc.

Thị trưởng Ferrira phàn nàn về sự "thiếu nhận thức toàn cầu, thiếu trách nhiệm đạo đức cũng như ý thức bảo vệ môi trường" trên khắp thế giới. "Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi, đất đai bị hy sinh".

Carlos Cornejo, 51 tuổi, sửa đường ở La Negra, cách Antofagasta khoảng 20 km về phía đông, ngày 9/11.

Trong hơn 8 triệu năm, sa mạc Atacama rộng 100.000 km2 là nơi khô cằn nhất thế giới. Ở đây rất hiếm mưa, thậm chí một số nơi không có mưa. Nơi khô hạn nhất là huyện Yungay ở thành phố Antofagasta.

Ở đây, các nhà khoa học tìm thấy các dạng sống thích nghi với điều kiện cực đoan, các vi sinh vật sống trong môi trường gần như không có nước, bức xạ mặt trời cao và hầu như không có nguồn dinh dưỡng. Các nhà khoa học tin rằng những vi sinh vật này có thể cất giấu bí mật về sự tiến hóa và sinh tồn trên Trái Đất cũng như các hành tinh khác.

Khu liên hợp công nghiệp luyện kim Alto Norte ở sa mạc Atacama, cách Antofagasta khoảng 30 km về phía nam, ngày 8/11.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng Yungay là nơi có cảnh quan giống sao Hỏa nhất trên Trái Đất và sử dụng khu vực làm nơi thử nghiệm robot thám hiểm hành tinh.

Nơi đây không có mưa nhiều nhưng các dải sương mù lớn quét qua sa mạc cho phép một số loài thực vật, trong đó có địa y, nấm và tảo, phát triển. Nhiều loài hoa dại nở rực rỡ khi trời đổ mưa lớn hơn mức trung bình mỗi 5-7 năm, lần gần nhất là 2021.

Luật sư Paulina Silva kiểm tra một bãi rác trái phép ở La Pampa, Alto Hospicio, ngày 11/11.

"Hệ sinh thái ở đó rất mong manh. Bất kỳ sự thay đổi hay suy giảm nào về mô hình mưa và sương mù đều lập tức gây hậu quả cho các loài sống ở đó", Pablo Guerrero, nhà nghiên cứu Viện Sinh thái và Đa dạng Sinh học, đồng thời là chuyên gia về sa mạc, nói.

"Có những loài cây xương rồng đã tuyệt chủng" do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và con người, Guerrero cho biết. "Không may, đó là điều mà chúng ta đang chứng kiến trên quy mô lớn, xuống cấp một cách có hệ thống trong những năm gần đây".

Núi rác nhìn từ trên cao bên một con đường nông thôn bên ngoài Alto Hospicio ngày 11/11.

Nghĩa địa ôtô ở Alto Hospicio ngày 12/11.

Rác ven con đường nông thôn chạy qua sa mạc Atacama bên ngoài Alto Hospicio, ngày 11/11.

Ảnh: AFP