Guyana và Suriname, hai quốc gia từng là thuộc địa của Hà Lan, nằm trong nhóm những quốc gia có nhiều rừng nhất thế giới, đóng vai trò như lá phổi xanh giữ lại lượng lớn CO2, loại khí có khả năng làm Trái đất nóng lên.
Với quy mô kinh tế và dân số nhỏ, hai quốc gia phát thải rất ít CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác từ nhiên liệu hóa thạch. Trên thực tế, Suriname là một trong ba quốc gia phát thải âm CO2 trên thế giới, còn Guyana là nước trung hòa CO2.
Tuy nhiên, nhiều mỏ dầu liên tục được phát hiện tại Lưu vực Guyana-Suriname từ đầu năm 2020 khiến nhiều người e ngại xu hướng này có thể thay đổi. Guyana, quốc gia có 800.000 dân, đã phát hiện mỏ dầu trữ lượng 10 tỷ thùng, khiến họ trở thành nước có trữ lượng dầu trên đầu người cao nhất thế giới.
Khảo sát ban đầu cho thấy trữ lượng dầu của Suriname, quốc gia có 600.000 dân, có thể không kém.
"Sẽ rất khó để duy trì vị thế trung hòa carbon khi một quốc gia tham gia khai thác dầu khí", nhà kinh tế học Steven Debipersad, Đại học Anton de Kom, thủ đô Paramaribo, Suriname, nói.
Ông cho hay dự án khai thác dầu khí trong 10-20 năm tới có thể mang về 10 tỷ USD lợi nhuận, giúp Suriname tăng trưởng kinh tế, nhưng cái giá mà họ phải trả là môi trường bị tàn phá. GDP của Suriname hiện là 3 tỷ USD.
Tổng thống hai nước nhấn mạnh Guyana và Suriname không thể quay lưng với cơ hội tăng thu ngân sách và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hai nước nằm trong số những quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ, nơi nhiều người sống trong cảnh không điện, nước sạch, y tế.
Trong khu ổ chuột Texas tại Paramaribo, nước cống bẩn thỉu chảy giữa những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo. Edison Poekitie, 23 tuổi, nhạc sĩ, sống trong khu ổ chuột với thu nhập chưa đầy 50 USD một tuần.
"Ngày nào tôi cũng thiếu ăn", Peokitie nói. "Cuộc sống ở đây thực sự khó khăn".
Anh cho hay cộng đồng ở đây cần đường ống nước, lưới điện, đường sá không ổ gà, trường học, nhà cửa khang trang, sân chơi... Poekitie hy vọng chính phủ sẽ sử dụng số tiền thu được từ bán dầu "một cách khôn ngoan".
Brian Braithwaite, 45 tuổi, chủ một xe tải chở thực phẩm tại khu phố nghèo ở thủ đô Georgetown của Guyana, cũng bày tỏ mong muốn tương tự.
"Hy vọng họ sẽ làm gì đó để những người sống trên đường phố có việc làm tốt hơn", Braithwaite nói.
Cả hai tổng thống đều cam kết sử dụng hợp lý nguồn lợi nhuận thu được từ dầu mỏ.
"Chúng tôi nhận thức rõ ràng về lời nguyền dầu mỏ", Tổng thống Suriname Chan Santokhi nói, ám chỉ nước láng giềng Venezuela và những quốc gia giàu tài nguyên dầu khác như Angola hay Algeria, những nước không thể biến nguồn lợi dầu mỏ thành tiến bộ kinh tế xã hội.
"Lời nguyền dầu mỏ" là thuật ngữ được các nhà kinh tế sử dụng để chỉ tình trạng một số quốc gia phát triển chậm lại và gia tăng bất bình đẳng khi phát hiện tài nguyên dầu mỏ do quản lý ngân sách yếu kém, trong khi hậu quả về môi trường vô cùng lớn.
"Chúng tôi cũng nên nắm bắt cơ hội hưởng lợi từ sản xuất dầu khí" để giải quyết khủng hoảng kinh tế và "giúp người dân có cuộc sống tốt hơn", ông Santokhi nhấn mạnh.
Tổng thống Guyana Mohamed Irfaan Ali muốn dùng nguồn thu từ dầu mỏ để "tạo ra của cải cho thế hệ hiện tại và tương lai".
Cả hai lãnh đạo đều nói đến việc sử dụng tiền bán dầu để đa dạng hóa nền kinh tế, đầu tư vào nông nghiệp, du lịch, nhà ở, giáo dục và y tế.
"Dầu và khí đốt khai thác mãi sẽ cạn, nhưng an ninh lương thực cần phải đảm bảo", ông Santokhi nói.
Khai thác và lọc dầu là những yếu tố chính ảnh hưởng tới phát thải khí nhà kính. Là những nước ít phát thải, nhưng Suriname và Guyan vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, do hai quốc gia thường xuyên hứng chịu các cơn bão nhiệt đới.
Tổng thống Santokhi và Irfaan Ali tin rằng họ có thể duy trì cân bằng phát thải carbon bằng cách sử dụng nguồn lợi nhuận thu từ dầu khí để bảo vệ rừng và đầu tư vào năng lượng xanh.
Gìn giữ các khu rừng che phủ 87% diện tích Guyana và 93% Suriname cũng là một biện pháp kinh tế, bởi cả hai nước có thể bán "tín dụng carbon" cho những quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính. Ông Irfaan Ali cho hay Guyana thu về 190 triệu USD mỗi năm tiền bán "tín dụng carbon", loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng nhất định CO2 hoặc các khí nhà kính khác.
Tuy nhiên, Monique Pool, giám đốc Quỹ Di sản Xanh của Suriname, không ủng hộ chính sách vừa khai thác dầu vừa bán "tín dụng carbon" mà chính phủ đề ra. "Tín dụng carbon sẽ đem lại nhiều tiền hơn, nhanh hơn so với khai thác dầu khí, bởi nó bền vững hơn", bà nói.
Ở Georgetown, thủ đô Guyana, nhà hoạt động Christopher Ram tin rằng dầu khí nên ở yên dưới lòng đất. Ông lo ngại các công ty khai thác dầu sẽ vì lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố môi trường.
"Nếu là tôi, tôi sẽ trình bày trước cộng đồng quốc tế rằng Guyana là nước nhỏ, luôn bảo vệ môi trường và chúng tôi muốn duy trì cách này, nên hãy giúp chúng tôi hưởng lợi ích tương đương khai thác dầu", ông nói.
Trong khi đó, Cynthia Neel, 53 tuổi, người đã gửi con gái từ Suriname tới Hà Lan học tập khi mới 6 tuổi với hy vọng cô bé có cuộc sống tốt đẹp hơn, mong muốn đất nước sẽ thay đổi tích cực nhờ nguồn lợi dầu khí.
"Tôi hy vọng nhờ tài nguyên dầu, lũ trẻ sẽ không còn phải rời khỏi đất nước nữa", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)