Dọc chiều dài 6.500 km sông Nile chảy qua nhiều nước châu Phi, từ Uganda tới Ai Cập, hàng loạt tín hiệu đáng báo động đang xuất hiện.
"Sông Nile là thứ quan trọng nhất với chúng tôi", Mohammed Jomaa, nông dân sống nhờ vào canh tác bên bờ sông Nile màu mỡ tại Alty, bang Gezira, Sudan, nói. "Chúng tôi chắc chắn không muốn bất kỳ thay đổi nào".
Nhưng Nile, con sông dài thứ hai thế giới sau sông Amazon ở Nam Mỹ, không còn là dòng sông huyền thoại vĩnh hằng nữa. Trong nửa thế kỷ, lưu lượng dòng chảy của sông đã giảm từ 3.000 m3/s xuống 2.830 m3/s. Tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Theo dự đoán xấu nhất của Liên Hợp Quốc, với tình trạng hạn hán ở miền đông châu Phi, dòng chảy sông Nile có thể giảm 70%.
60 năm qua, cứ mỗi năm nước biển Địa Trung Hải lại lấn dần vào đồng bằng sông Nile từ 35 tới 75 m. Nếu mực nước biển dâng lên chỉ một mét, một phần ba khu vực màu mỡ này có thể biến mất và buộc 9 triệu người phải rời bỏ quê hương, theo Liên Hợp Quốc.
Nơi từng là vựa lúa của lục địa trở thành nơi dễ bị tổn thương thứ ba trên hành tinh do biến đổi khí hậu. Hồ Victoria, nguồn trữ nước lớn nhất cho sông Nile khi trời mưa, đối mặt nguy cơ khô cạn do hạn hán.
Trước tình hình này, chính phủ nhiều nước tìm cách xây đập để trữ nước cho sông Nile, nhưng các chuyên gia cảnh báo hành động này càng đẩy nhanh thảm họa.
Tại cửa sông Nile, hai mũi đất Damietta và Rosetta từng nhô ra Địa Trung Hải ở phía bắc Ai Cập đang mất dần. Bờ kè bằng bê tông được xây để bảo vệ các doi đất này giờ đã ngập một nửa trong nước biển.
Từ năm 1968 tới 2009, biển đã lấn sâu ba km vào Đồng bằng sông Nile, khi dòng chảy yếu của sông Nile không thể chống lại nước biển xâm thực, trong khi mực nước Địa Trung Hải đã tăng 15 cm trong thế kỷ 20 do biến đổi khí hậu.
Trong hàng nghìn năm, phù sa sông Nile tạo thành một rào chắn ở cửa sông, bảo vệ đất liền. Nhưng kể từ khi đập Aswan được Ai Cập xây năm 1960 để điều tiết lũ sông Nile, phù sa đã không thể ra được tới cửa biển.
"Mỗi khi sông Nile vào mùa lũ, phù sa sẽ tích tụ, khiến mũi đất Damietta và Rosetta mở rộng. Nhưng sự cân bằng này bị xáo trộn vì con đập", Ahmed Abdel Qader, người đứng đầu cơ quan bảo vệ bờ biển Ai Cập, nói.
Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc UNEP cảnh báo nếu nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng, Địa Trung Hải sẽ xâm lấn Đồng bằng sông Nile mỗi năm 100 mét.
Ở vùng đất liền cách biển 15 km, cộng đồng làm nông ở Kafr El-Dawar dường như chưa gặp nguy hiểm. Nhưng mọi thứ đều không ổn, theo ông Sayed Mohammed, 73 tuổi, người đang hỗ trợ 14 con cháu trồng lúa và ngô trên cánh đồng nằm giữa sông Nile và con đường ồn ào đầy tiếng còi xe.
Nước mặn từ Địa Trung Hải xâm nhập vào các vùng canh tác rộng lớn, khiến cây trồng chết dần và suy giảm chất lượng. Nông dân cho hay rau củ bây giờ không còn vị như xưa. Để khử mặn cho đất, họ phải bơm thêm nước ngọt từ sông Nile.
Trong 40 năm, Mohammed và hàng xóm phải sử dụng máy bơm chạy bằng diesel và điện. Khoản chi này bóp nghẹt thu nhập của dân làng, những người đang bị ảnh hưởng nặng nề vì lạm phát và đồng tiền Ai Cập mất giá. Nhiều người đã phải bỏ ruộng.
Ông Mohammed có đủ điện bơm nước cho nửa hecta đất của mình nhờ 400 tấm pin năng lượng mặt trời do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tài trợ. Đây là chương trình hỗ trợ hệ thống tưới hoạt động bằng năng lượng mặt trời nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân ở Kafr El-Dawar để ngăn họ bỏ ruộng.
Năng lượng mặt trời giúp "nông dân tiết kiệm 50% chi phí bơm nước", theo giám đốc cơ quan thủy lợi địa phương Amr al-Daqaq. Nông dân cũng có thể bán điện thừa cho hệ thống lưới điện quốc gia. Dù vậy, không ai trong số con cháu của Mohammed muốn tiếp tục làm nông.
Theo UNEP, Địa Trung Hải có thể nuốt chửng 100.000 hecta đất nông nghiệp trong vùng, tương đương diện tích gần 10 thành phố Paris. Đây sẽ là thảm họa với Ai Cập, nơi đồng bằng sông Nile là nguồn cung cấp 30-40% sản lượng nông nghiệp quốc gia.
97% trong tổng số 104 triệu dân của Ai Cập sống dọc sông Nile. Tại nước láng giềng Sudan, một nửa trong số 45 triệu dân cũng sinh sống dọc bờ sông. Tới năm 2050, dân số của hai nước dự kiến tăng gấp đôi, còn nhiệt độ sẽ tăng 2-3 độ C.
IPCC, nhóm chuyên gia khí hậu Liên Hợp Quốc, cho hay tác động đến sông Nile sẽ vô cùng thảm khốc. Họ dự đoán con sông sẽ mất 70% dòng chảy vào cuối thế kỷ, với nguồn nước cung cấp cho người dân sống dọc sông giảm mạnh xuống còn 1/3 so với hiện nay.
Khí hậu nóng lên cũng làm tăng lũ lụt, bão lớn tấn công Đông Phi, nhưng chỉ bù đắp được 15-20% lượng nước mất đi, nghĩa là các quốc gia phụ thuộc vào sông Nile để trồng trọt và làm thủy điện sẽ lâm vào cảnh khốn cùng, IPCC cảnh báo.
Hơn một nửa nguồn điện của Sudan là từ thủy điện, còn 80% sản lượng điện của Uganda được tạo ra từ sông Nile.
Nhờ có sông Nile mà Christine Nalwadda Kalema, người mẹ đơn thân 42 tuổi, có điện thắp sáng cửa hàng và ngôi nhà nhỏ của mình tại vùng quê hẻo lánh ở làng Namiyagi, gần Hồ Victoria.
Nhưng điều này có thể không kéo dài, theo Revocatus Twinomuhangi, chuyên gia Trung tâm Biến đổi Khí hậu ở Kampala, Đại học Makerere.
"Nếu lượng mưa giảm, công suất thủy điện cũng giảm", ông nói. "Trong 5-10 năm qua, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng tần suất và cường độ hạn hán, mưa lớn, lũ lụt và nắng nóng, khi thời tiết ngày càng nóng hơn".
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Mỹ dựa theo dữ liệu địa chất 100.000 năm qua, Hồ Victoria có thể biến mất hoàn toàn trong 500 năm tới.
Nhưng đối với Kalema, người trồng chuối, sắn và cà phê trong khu vườn nhỏ để nuôi sống gia đình, những con số thống kê này rất mơ hồ. Điều khiến cô lo ngại là tình trạng mất điện ngày càng thường xuyên hơn.
"Điện phập phù nên con trai tôi học bài rất vất vả. Cháu phải cố làm cho xong bài tập trước nửa đêm", cô nói. "Là mẹ đơn thân, thu nhập có hạn, tôi không đủ tiền mua nến".
Hơn một nửa trong số 110 triệu người Ethiopia sống trong cảnh thiếu điện, dù quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Phi. Chính phủ Ethiopia hy vọng dự án Đập Đại Phục Hưng ở sông Nile sẽ khắc phục được điều này.
Từ năm 2011, đập Đại Phục Hưng trên sông Nile xanh, hợp lưu với sông Nile trắng ở Sudan để tạo thành sông Nile, đã tích được lượng nước gần bằng 1/3 sức chứa 74 tỷ m3 theo công suất thiết kế. Chính quyền Ethiopia tuyên bố đây là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi.
"Sông Nile là món quà Thượng đế ban tặng chúng tôi để người Ethiopia sử dụng", Thủ tướng Abiy Ahmed nói hồi tháng 8.
Nhưng con đập lại khiến Cairo đau đầu. Chính quyền Tổng thống Abdel Fattah al-Sissi lo ngại dòng chảy sông Nile sẽ sụt giảm nghiêm trọng vì đập Đại Phục Hưng.
Ai Cập ký thỏa thuận với Sudan năm 1959, chia 66% dòng chảy hàng năm của sông Nile cho Ai Cập, còn 22% cho Khartoum. Các quan chức Ai Cập dưới thời cựu tổng thống Mohamed Morsi năm 2013 từng nêu ý tưởng đánh bom đập Đại Phục Hưng để "bảo vệ lợi ích sống còn" cho nước này.
Sau khi chứng kiến đập Aswan làm giảm lượng phù sa, những nông dân canh tác dọc sông Nile luôn lo lắng mất đi nguồn dưỡng chất tự nhiên quý giá này. Những năm qua, Omar Abdelhay, nông dân Sudan, cảm thấy việc trồng dưa chuột, cà tím và khoai tây ngày càng khó hơn.
8 năm trước, nông dân 35 tuổi này bắt đầu canh tác trên mảnh đất màu mỡ của gia đình được tưới tiêu nhờ nguồn nước đậm phù sa của sông Nile. Nhưng từ khi những con đập xuất hiện ngày càng nhiều, "nước sông ngày càng trong hơn, ngay cả khi có lũ", anh nói.
Sudan, đất nước mắc kẹt trong suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị với những cuộc biểu tình liên tục phản đối chính quyền quân sự, đang chật vật trong quản lý nguồn nước.
Mùa mưa bão năm nay ở Sudan đã khiến 150 người thiệt mạng, nhiều làng mạc bị cuốn trôi. Nhưng mưa cũng không giúp được ngành nông nghiệp đất nước, vì Sudan thiếu hệ thống lưu trữ, tái sử dụng nước mưa.
Nạn đói đe dọa một phần ba dân số Sudan, dù quốc gia này là nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp như lạc, bông và nhựa cây. Giống nhiều quốc gia dọc sông Nile và những nước Đông Phi khác, Sudan nằm gần cuối bảng xếp hạng GAIN của Đại học Notre Dame về khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.
Tại nước láng giềng Uganda, nhiệt độ tăng không chỉ ảnh hưởng tới khả năng tự chủ lương thực của đất nước, mà còn ảnh hưởng tới nguồn thủy điện sông Nile, nơi cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và phát triển công nghiệp.
"Những trận mưa lớn trút xuống trong vài ngày gây lũ lụt, rồi sau đó là thời kỳ hạn hán kéo dài khiến nước sông mất đi. Bạn không thể sinh tồn khi thiếu nước", Callist Tindimugaya, chuyên gia Bộ Thủy lợi và Môi trường Uganda, nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)