Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright dự báo GDP năm nay có thể tăng 2,5%. "Tôi dự báo trên cở sở GDP tăng là nhờ đầu tư công tăng bù đắp cho đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng bù đắp cho tiêu thụ nội địa giảm", ông nói tại Hội nghị đầu tư 2020 mới đây.
Cũng theo vị chuyên gia này, sản xuất và xuất khẩu chính là động lực duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Trong khi chi tiêu tiêu dùng giảm thì điểm sáng là ở khu vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo. "Rõ ràng, nhìn vào khu vực, nước nào dựa vào dịch vụ là chính thì còn gặp khó trong khi Việt Nam dịch vụ vẫn quan trọng, nhưng thế mạnh chính vẫn là sản xuất", ông Thành nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thinh cũng cho rằng, động lực tăng trưởng và thu hút vốn cho năm sau sẽ tiếp tục trông chờ vào sản xuất. "Đó chính là lợi thế của chúng ta. Tôi tin rằng sản xuất sẽ tiếp tục là động lực chính cho thu hút vốn và tăng trưởng trong tương lai", vị này nói.
Dù GDP 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12%, mức thấp nhất trong một thập kỷ, nhưng với suy thoái của khu vực và toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong một số ít nước châu Á có tăng trưởng dương năm nay. Đến hiện tại, các tổ chức trong và ngoài nước dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trong khoảng 1,8% đến 3% năm 2020. Với năm 2021, các dự báo đang dao động từ 6% đến 7%.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 và 2021 | ||
Các tổ chức | Tăng trưởng GDP (%) | |
Năm 2020 | Năm 2021 | |
ADB | 1,8 | 6,3 |
IMF | 1,6 | 7 |
World Bank | 2,5-3 | 6,7 |
Citibank | 2 | 7 |
Chính phủ Việt Nam | 2-3 | 6 |
Viện nghiên cứu BIDV | 2,5 | 6,5-7 |
Trong dự báo riêng của mình, ông Thành cho rằng GDP năm sau có thể đạt 6,9%. Động lực của năm sau là dòng vốn FDI rất khả quan, nhờ vào nhiều dự án bị hoãn lại vì dịch trong năm 2020 sẽ được khởi động lại vào 2021, sẽ là "cú hích thúc đẩy nền kinh tế".
Để vươn lên trong giai đoạn "bình thường mới" của nền kinh tế, ông Phạm Văn Thinh khuyến nghị 5 điều cấp bách mà các doanh nghiệp cần quan tâm.
Thứ nhất, tái nhận diện và điều chỉnh mô hình kinh doanh vì nó có thể sẽ không còn như xưa. Đây chính là trạng thái "bình thường mới"của doanh nghiệp. Thứ hai, đầu tư chuyển đổi số. Khi đại dịch diễn ra thì chuyển đổi số là xu hướng cấp bách. "Thời đại này là của dữ liệu lớn (Big Data). Nếu doanh nghiệp không dùng trí tuệ nhân tạo (AI) và thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Thịnh đánh giá.
Thứ ba, cân nhắc lại phương thức làm việc trong tương lai. Ngoài việc làm từ xa, xu hướng thuê lao động bán thời gian, freelancer đang phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp nên đánh giá lại xu hướng nào là phù hợp với tổ chức mình. Cùng với đó, đánh giá lại phương thức làm việc, như giao tiếp giữa con người và máy móc, xây dựng văn hoá gắn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường quản trị rủi ro và an ninh mạng. Xu hướng làm việc từ xa nhiều hơn sẽ đi cùng các rủi ro mất dữ liệu, lộ thông tin, mất tài sản là lớn hơn. Do đó, đảm bảo an ninh mạng rất quan trọng trong tình hình mới. Cùng với đó, trong tình hình bất ổn hiện nay có nhiều vấn đề không thể lường trước, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản cho bất kỳ tình huống xấu nào có thể xảy ra. Cuối cùng, tái cấu trúc để thích nghi với môi trường kinh doanh và nắm bắt các cơ hội mua bán sáp nhập.
Viễn Thông