Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, từ quý III, số các đơn hàng của doanh nghiệp trong ngành giày dép đang phục hồi sau khi suy giảm mạnh trong quý trước. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và bắt đầu tuyển dụng lại lao động. Tuy nhiên, lượng đơn hàng vẫn chưa nhiều vì các nhà nhập khẩu còn thận trọng. Sức mua tại những thị trường này còn yếu, do Covid-19 còn ảnh hưởng.
Sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là nằm trong danh mục các mặt hàng Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Sản lượng giày dép da tháng 10 ước đạt 31 triệu đôi, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ. Còn tính chung đến hết tháng 10, sản lượng là 249,1 triệu đôi, tăng 0,8%. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại 10 tháng ước đạt 13,38 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương dự kiến, dù thị trường chưa thể phục hồi hoàn toàn, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý IV sẽ đạt mức tăng trưởng trước đây nhờ trùng với thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng ở các nước châu Âu, châu Mỹ.
Với dệt may, các doanh nghiệp trong ngành đã chuyển đổi kết cấu mặt hàng truyền thống sang có khả năng thích ứng nhanh để đối phó với đơn hàng khan hiếm. Từ veston, sơ mi cao cấp, các doanh nghiệp quay sang làm đồ bảo hộ lao động, đồ dệt kim, sơ mi truyền thống. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp cần khai thác và mở rộng thị trường nội địa. Với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA.
Đức Minh