Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngày 6/8, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, khi chơi với "người khổng lồ" đây là cơ hội để nâng cấp bản thân. Thước đo của việc thực hiện EVFTA là số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai bên làm ăn, buôn bán được với nhau.
"Tuyến cao tốc EVFTA mở ra giữa Việt Nam và EU không chỉ cho xe siêu trường, siêu trọng mà còn cho cả các xe tải nhỏ của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ", Chủ tịch VCCI góp ý.
Ông Lộc cũng nêu băn khoăn trong tiếp cận cơ hội từ EVFTA là chất lượng nguồn nhân lực. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nhân lực Việt Nam đã cải thiện gần đây khi được đánh giá 3,79 điểm trên thang điểm 10. Song thực tế đây vẫn là nút thắt lớn nhất trong hội nhập. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, chi phí logistic đắt đỏ vào bậc nhất thế giới... cũng đang là những điểm trừ.
Bàn về việc tận dụng các FTA thời gian qua, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng đã có độ trễ và chưa được như kỳ vọng. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng doanh nghiệp "thờ ơ" với các FTA, nhưng theo ông họ có khó khăn như dù quan tâm mà không có nguồn lực.
"Mỗi doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm cái họ đang làm, nên các chính sách hướng dẫn thực thi EVFTA cũng cần đánh trúng trọng tâm mong muốn của doanh nghiệp", ông Nam đề nghị.
Góp ý cụ thể hơn, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói, nút thắt hiện nay của hàng may mặc Việt Nam muốn tận dụng ưu đãi thuế khi vào EU là phải chứng minh xuất xứ từ vải. Tuy nhiên, EVFTA mở ra điều khoản cho phép dệt may được sử dụng nguyên liệu cộng gộp từ Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước EU.
Vừa qua, các doanh nghiệp dệt may đã chuyển dịch mua vải nhiều hơn từ các thị trường này, ước tính tỷ trọng khoảng 25%. Nếu tính nguồn vải trong nước khoảng 20% thì khoảng 45% nguyên liệu của doanh nghiệp dệt may đảm bảo được nguyên tắc xuất xứ. Song muốn đạt được tỷ trọng này cần thoả thuận cộng gộp xuất xứ giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản. CEO Vinatex sốt ruột khi EVFTA đã có hiệu lực từ đầu tháng 8, nhưng tới nay Thông tư hướng dẫn từ Bộ Công Thương về vấn đề này chưa có.
Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này đang đẩy nhanh quá trình đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc, hy vọng trong tháng 8 sẽ ban hành được thông tư hướng dẫn công nhận xuất xứ cộng gộp giữa Việt Nam với hai quốc gia này.
Trước những đề nghị tháo gỡ nút thắt từ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ đã có kế hoạch hành động với 5 nhóm nhiệm vụ gồm 41 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA. Bộ Công Thương được giao là cơ quan đầu mối, nhạc trưởng điều phối các nỗ lực thực thi EVFTA.
"Điều quan trọng là chúng ta hình thành các quy hoạch phát triển gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng, là yêu cầu cơ bản cho đầu tư hợp tác thành công của các doanh nghiệp. Như vậy, dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên cao tốc ấy", Thủ tướng nói.
Nhắc lại chuyện "đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì phải cùng nhau", Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp phải liên kết theo chuỗi, tạo sức cạnh tranh mới tận dụng hiệu quả, cơ hội EVFTA đem lại.
Ông yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi EVFTA hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp, tránh tình trạng "quyền anh, quyền tôi và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất".
Anh Minh