Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 ước tăng 7% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung 7 tháng, sản xuất của cả nước tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 4,8% của cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành có chỉ số tăng cao gồm sản xuất da và các sản phẩm từ da, xe có động cơ, giấy, đồ uống, trang phục...
Tiêu thụ toàn toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có xu hướng cải thiện khi 6 tháng tăng 8,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 7,5% của 5 tháng đầu năm, dẫn tới tốc độ tăng tồn kho giảm dần từ đầu năm đến nay.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/7 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước, sau khi lên tới hơn 20% vào đầu năm. Trong đó, các lĩnh vực như sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt may... đang có chỉ số tồn kho thấp hơn mức chung toàn ngành. Đặc biệt, chỉ số tại ngành sản xuất xe có động cơ giảm 25,2% và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm tới 52,5%.
Việc sản xuất phục hồi diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 7 lần suốt từ đầu năm 2012 đến nay, từ mốc 14% xuống còn 7% một năm hiện nay. Mặt bằng lãi suất cho vay theo đó cũng giảm theo.
Số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng cho thấy, quý II/2013 cả nước có thêm 23.201 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao nhất trong hai năm vừa qua. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng, khi hết 30/6/2013, có khoảng 9.300 doanh nghiệp trở lại hoạt động, so với mức 8.300 và 8.800 tại thời điểm cuối tháng 4 và tháng 5.
Với việc sản xuất có xu hướng cải thiện, tỷ lệ sử dụng lao động tháng 6 tăng nhẹ 1% so với tháng trước. Khu vực thu hút nhiều lao động nhất hiện nay vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tăng 9%), trong khi tỷ lệ sử dụng lao động của khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước giảm 0,4% và 0,8%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến 20/7/2013 đạt hơn 11,9 tỷ USD, tăng 20% và đạt 85 - 90% kế hoạch cả năm. Giải ngân vốn FDI 7 tháng đầu năm cũng ước đạt 6,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút nhiều vốn ngoại nhất với hơn 10,4 tỷ USD, tiếp đó là kinh doanh bất động sản với 580,8 triệu USD. Trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 2,5 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... |
Huyền Thư