Tình trạng bi bét, khiến hàng loạt dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động được lãnh đạo doanh nghiệp phản ánh khá bức xúc trong hội thảo vừa được được Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Hàng loạt ví dụ được nêu ra như nhà máy xi măng Thanh Liêm (Hà Nam), Áng Sơn 1 (Quảng Bình), xi măng X77 (Hà Nam)...
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lương Quang Khải – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) thừa nhận, khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong ngành một phần do nhiều nhà máy xi măng được xây dựng ồ ạt trong thời gian trước. Các đơn vị này có công suất nhỏ, hiệu suất máy móc không tốt, mạng lưới thị trường có hạn. Đến nay, điều kiện cạnh tranh khó khăn nên không đủ sức tồn tại, do đó buộc phải dừng sản xuất, hoặc tái cơ cấu.
“Trong thời gian tới, việc mua bán, hợp nhất các đơn vị này sẽ diễn ra và thị trường sẽ chỉ còn vài thương hiệu mạnh”, ông Khải nhấn mạnh.
Cũng đánh giá về xu hướng mua bán sáp nhập trong ngành, ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, đây là điều bình thường khi Việt Nam đã hội nhập nhưng cũng là "bất đắc dĩ" với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dù chịu thiệt nhưng vẫn phải bán cổ phần vì Nhà nước không còn khả năng cứu, trong khi bản thân họ cần tìm lối thoát để tiếp tục duy trì hoạt động, ông nói.
Theo vị này, mua bán sáp nhập với đối tác trong nước có thể diễn ra êm ả hơn, nhưng nếu có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại thì cần thận trọng "Khi đầu tư, họ có thể khai thác nguồn đất sét, đá vôi của Việt Nam rồi sản xuất ra sản phẩm đêm xuất khẩu, phần lợi vẫn là doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi nguồn tài nguyên trong nước cạn kiệt dần đi.
"Đây là điều tiếc nhưng bất khả kháng bởi nếu không làm thì doanh nghiệp sẽ chết", Chủ tịch Hiệp hội Xi măng nhấn mạnh.
Theo ông, hiện nay trong ngành xi măng có tới một phần ba doanh nghiệp đang làm năn thua lỗ, thậm chí là ngừng một phần hoạt động hoặc chuyển sang làm dịch vụ nghiền gia công cho các đơn vị khác. Phần còn lại đang làm ăn có lãi hoặc hòa vốn nhưng cũng bị thu hẹp so với trước đây.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vicem, việc mua bán các nhà máy xi măng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. “Hiện năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp không được khỏe lắm, trong khi thị trường chứng khoán cũng không phải dễ dàng. Do đó, cần thời gian để các thương vụ này thành công”, ông Khải nói.
Năm 2012 có 4 thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) thuộc ngành xi măng. Hai thương vụ đình đám nhất là việc Semen Gresik - một công ty của Indonesia đã mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long với giá khoảng 230 triệu USD. Tiếp đó, một công ty con thuộc Siam Cement Group của Thái Lan, đã mua lại 85% cổ phần trong Prime Group với giá hơn 5.000 tỷ (240 triệu USD). Đến đầu năm 2013, thương vụ Tập đoàn Xi măng Vissai mua lại Xi măng Đồng Bành cũng thu hút được sự chú ý trên thị trường.
Các chuyên gia của Công ty Dữ liệu và Phân tích Stox Plus cũng cho rằng, nhiều dự án xi măng trước đây đầu tư không hiệu quả, dùng đòn bẩy tài chính quá liều nên đang rơi vào cảnh nợ nần sẽ buộc phải tìm tự tìm đối tác để M&A trong thời gian tới. Do đó, cơ hội M&A trong ngành này rất sáng sủa.
Việc có quá nhiều nhà máy xi măng đã đi vào hoạt động cùng hàng loạt dự án khác đã được cấp phép là một trong những nguyên nhân đẩy nhiều đơn vị vào tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng khiến doanh số bán hàng của nhiều doanh nghiệp giảm, trong khi gánh nặng phải trả lãi vay lớn là những mục tiêu rất tiềm năng để thực hiện thâu tóm.
Từ năm 2010 đến nay kinh tế suy giảm dần, kéo theo nguồn lực của các doanh nghiệp cạn kiệt, nhiều nhà máy xi măng chỉ chạy một phần ba hoặc một nửa công suất. Trong khi đó, đây lại là giai đoạn doanh nghiệp phải trả nợ hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nhà máy, dẫn tới trách nhiệm tình hình tài chính ngày càng khó khăn, ông Thiện nêu ý kiến.
Hiện tổng công suất dây chuyền xi măng lò quay đã hoàn thành xây dựng trên phạm vi cả nước là 70,39 triệu tấn một năm. Tuy nhiên, sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 24,7 triệu tấn, tương đương công suất 70,5%. |
Ngọc Tuyên - Huyền Thư