Lệnh phong tỏa của các chính phủ phát huy tác dụng trong việc dập dịch. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ lây truyền của virus thấp tới mức không đủ tình nguyện viên để thử nghiệm vaccine.
Các nhà khoa học buộc phải mở rộng phạm vi nghiên cứu, chuyển hướng đến các "điểm nóng" mới tại châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh, để thu được kết quả thuyết phục.
"Thật trớ trêu, nếu chúng ta dập dịch thành công bằng các biện pháp y tế công cộng, quá trình thử nghiệm vaccine sẽ trở nên vô cùng khó khăn", Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhận định.
Covid-19 đến nay đã lây nhiễm hơn 6 triệu người, khiến khoảng 380.000 người tử vong. Lãnh đạo các nước cho rằng tiêm chủng là biện pháp duy nhất giúp đẩy lùi hoàn toàn đại dịch, mở cửa lại nền kinh tế bị đình trệ kể từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine hoàn toàn mới với quy mô lớn và tốc độ nhanh chóng là điều vô cùng phức tạp. Chứng minh được hiệu quả của chúng thậm chí khó khăn hơn, đặc biệt là khi dịch bệnh diễn biến khôn lường.
"Để làm được điều này, cần có các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu virus tạm thời suy yếu, quá trình nghiên cứu trở nên vô ích. Giải pháp là tìm đến những khu vực căn bệnh tiếp tục lây lan, như Brazil và Mexico", Ayfer Ali, chuyên gia tại Đại học Kinh tế Warwick ở Anh, cho biết.
Thông thường, các nhà khoa học sẽ chia tình nguyện viên thành hai nhóm: dùng vaccine và sử dụng giả dược để đối chứng. Sau đó, họ trở lại cộng đồng nơi căn bệnh đang hoành hành để theo dõi sức khỏe. Nếu tỷ lệ nhiễm virus ở nhóm được tiêm chủng thấp hơn, vaccine được cho là có hiệu quả.
Dịch bệnh tại Anh, Mỹ và các nước châu Âu dần qua đỉnh, số ca mắc giảm dần, giới chuyên gia buộc phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác, đó là "săn lùng" các ổ dịch mới, tìm kiếm tình nguyện viên ở nơi virus còn lây lan mạnh. Các đơn vị sản xuất vaccine từng đối mặt với thách thức tương tự trong đợt bùng phát Ebola tại Tây Phi năm 2014.
Một trong những "ứng viên" tiềm năng hiện nay là vaccine của công ty công nghệ sinh học Moderna. Bên cạnh đó, sản phẩm từ Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca của Anh cũng đang trong quá trình phát triển. Đây là hai loại vaccine đầu tiên trên thế giới tiến đến giai đoạn ba của nghiên cứu.
"Hiện tại, số ca nhiễm nCoV ở châu Phi đang tăng lên nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm ở khu vực này và thu thập các dữ liệu hữu ích", tiến sĩ Francis Collins nói.
Các nước châu Mỹ Latinh cũng được coi là "điểm nóng" lây nhiễm Covid-19. Với gần 600.000 ca dương tính và hơn 100.000 trường hợp tử vong, chính phủ Brazil đã chấp thuận thử nghiệm trên người vaccine của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca. Nghiên cứu cũng diễn ra song song tại Anh. Các nhà khoa học dự kiến kêu gọi khoảng hơn 10.000 tình nguyện viên. Tuy nhiên tình hình dịch tễ tại nước này trở nên tương đối ổn định sau hàng loạt biện pháp hạn chế, có khả năng thử nghiệm sẽ phải dừng.
Vì nhận được sự quan tâm lớn, AstraZeneca thậm chí có ý định chủ động lây nhiễm nCoV trên người (human-challenge study) nhằm đánh giá độ hiệu quả của vaccine. Thay vì chờ đợi thời gian dài để kiểm đếm số lượng tình nguyện viên miễn dịch sau tiêm chủng, các nhà khoa học sẽ trực tiếp lây virus cho họ qua đường tiêm, uống hoặc xịt mũi. Đây là phương pháp hiếm khi được sử dụng, do rủi ro cao và gây tranh cãi về mặt đạo đức.
Trên thực tế, những khó khăn trong việc tìm kiếm tình nguyện viên cho giai đoạn giữa của thử nghiệm vaccine đã được nhiều bác sĩ dự báo trước. Vấn đề tương tự xảy ra trong quá trình nghiên cứu thuốc hydroxychloroquine và remdesivir.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện 8 vaccine tiềm năng phòng Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, 110 loại khác trong giai đoạn nghiên cứu. Thông thường, toàn bộ quá trình tốn tới vài năm, thậm chí hàng thập kỷ. Song với nỗ lực hợp tác toàn cầu, các chuyên gia kỳ vọng vaccine Covid-19 sẽ có trong khoảng 12 đến 18 tháng nữa.
Thục Linh (Theo Reuters)