Khoảng 5h ngày 5/6, Neelam, 30 tuổi, vợ Singh, mang thai hơn 8 tháng, bắt đầu đau lưng và khó thở. Nghĩ rằng cơn co thắt báo hiệu sinh sớm, hai vợ chồng chào tạm biệt cậu con trai 5 tuổi, hứa sẽ mang về cho cậu một em bé gái, trước khi lên đường tới một bệnh viện công ở thành phố Noida, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.
Tuy nhiên, vì nghi ngờ Neelam có triệu chứng Covid-19, 8 bệnh viện đã từ chối cho cô nhập viện. Loay hoay suốt 15 tiếng không thể vào viện điều trị, Neelam liên tục hỏi "Tại sao các người không điều trị cho tôi", "Tại sao không cứu tôi, cứu con tôi", trước khi qua đời và để lại ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí người chồng.
Cái chết của Neelam phơi bày hiện thực tàn khốc của ngành y tế Ấn Độ, khi cả hệ thống bên bờ vực sụp đổ vì Covid-19.
"Ngay từ khi dịch bùng phát, chính phủ đã đánh giá thấp nCoV", Harjit Singh Bhatti, bác sĩ bệnh viện Man Manal tại Delhi, nói. "Chúng ta thực hiện phong tỏa hơn hai tháng, nhưng lãng phí đa số thời gian vì không đầu tư vào y tế, cách duy nhất để kiểm soát tình hình".
"Ngày nào tôi cũng thấy bệnh nhân tăng lên nhưng không thể nhập viện, nhiều người chết ngoài bệnh viện. Nhân viên y tế phơi nhiễm nhiều vô số, hệ thống y tế ở Delhi đang bị vắt kiệt. Nếu không thực hiện động thái mạnh mẽ ngay bây giờ, tôi dự đoán hệ thống y tế sẽ sụp đổ trong vài tuần nữa".
Ấn Độ, một trong những quốc gia rộng lớn và áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa từ đầu tuần, cho phép trung tâm mua sắm và nơi thờ cúng mở cửa sau hơn hai tháng. Tỷ lệ lây nhiễm không ngừng tăng, nhưng nước này vẫn quyết định dỡ hạn chế.
Số ca Covid-19 ở Ấn Độ đang là 298.000, mỗi ngày tăng 10.000 ca và vượt qua Anh, trở thành vùng dịch lớn thứ tư thế giới. Các thành phố lớn nhất Ấn Độ như Delhi, Mumbai và Chennai không chỉ thiếu giường bệnh mà còn thiếu y bác sĩ điều trị số lượng bệnh nhân lớn chưa từng có, thậm chí giáo sư đại học y cũng phải tham gia điều trị bệnh nhân. Bệnh viện tư thu phí hơn 1.000 USD một đêm với người nhập viện có triệu chứng Covid-19, mức giá không tưởng với cả những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, chưa nói tới người nghèo.
Singh là công nhân nhà máy ở Khora Colony tại Ghaziabad, đưa vợ tới bệnh viện công ở thành phố Noida lân cận. Nhưng bác sĩ kiên quyết không cho Neelam nhập viện. Lái xe cứu thương từ chối chở cô tới một bệnh viện khác gần đó. Hai vợ chồng tới bệnh viện tư Shivalik nhưng bác sĩ chỉ nói: "Xin lỗi, đây có vẻ là ca Covid-19, chúng tôi không có giường hay máy thở phục vụ", Singh nói.
Họ đến 8 bệnh viện, nơi nào cũng từ chối vì nghi ngờ Neelam khó thở do Covid-19, dù chưa xét nghiệm.
"Đến bệnh viện thứ tư, tôi quỳ xuống, cầu xin họ, cho biết tôi đã đi khắp nơi sáng nay nhưng họ chỉ nói 'chúng tôi không thể chữa cho cô ấy, cô ấy sẽ chết ở đây'", Singh nói. "Vợ tôi hét lên: 'Tôi cần thở oxy, tôi cần thuốc giảm đau, làm ơn giúp tôi' nhưng không ai lắng nghe".
Tới bệnh viện tiếp theo, họ tuyệt vọng tới nỗi trả tiền để Neelam được thở oxy trên xe cứu thương. Đến bệnh viện thứ 7, Singh đã báo cảnh sát khi bệnh viện từ chối tiếp nhận vợ anh.
"Tôi không dám đến xe cứu thương đối mặt với cô ấy. Cô ấy cứ liên tục bảo tôi: 'Em không cầm cự được lâu nữa đâu, làm ơn giúp em, anh chẳng làm gì giúp em cả'. Lúc ấy, tôi đã không còn sức nữa rồi", Singh nói.
Nhưng ngay cả cảnh sát cũng không giúp cô có được giường bệnh. Singh và Neelam lái xe thêm 50 km về bệnh viện Max ở Ghaziabad, nơi bác sĩ mời anh vào phòng bệnh để chứng minh họ đã hết giường, hai vợ chồng lại lái xe về Gims.
"Nhưng khi về đến nơi, tôi kéo mặt nạ oxy khỏi mặt vợ thì phát hiện cô ấy chết rồi", Singh nói. "Xin hãy hiểu cho tôi, tôi đã làm tất cả để cứu vợ con. Tôi không có lỗi, lỗi tại hệ thống y tế đã quá tải".
Hậu quả của Covid-19 tại Ấn Độ, quốc gia nghèo đói và đông dân, nơi chỉ dành 1% GDP cho y tế, đang ngày một rõ hơn.
Nhà xác bệnh viện quá tải. Tại bệnh viện LNJP ở Delhi, nơi nhà xác có sức chứa tối đa 45 người, tuần trước đã chất đống 108 thi thể. Nigambodh Ghat, nhà hỏa táng lớn nhất và lâu đời nhất New Delhi, bắt đầu dựng các giàn hỏa táng truyền thống bằng gỗ vì lò hiện tại không thiêu kịp số người chết, nhiều hơn 30 xác mỗi ngày so với bình thường. Hai tháng qua, họ đã thiêu hủy hơn 500 thi thể bệnh nhân Covid-19.
Manish Sisodia, một lãnh đạo của Delhi, dự đoán số ca Covid-19 ở thủ đô sẽ tăng lên hơn 500.000 người vào tháng 7, số giường bệnh cũng cần tăng từ 9.000 lên 80.000 để đáp ứng nhu cầu.
"Với Delhi, đây là khó khăn lớn cần giải quyết nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng", Sisodia nói.
Balram Bhargava, giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, khẳng định Ấn Độ chắc chắn không trong giai đoạn bùng phát lây nhiễm cộng đồng, dù các quan chức Delhi thừa nhận chỉ xác định được nguồn lây của 50% số ca. Tuy nhiên, Bhatti, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Delhi, phủ nhận điều này.
"Mọi tuyên bố rằng không có ca lây nhiễm cộng đồng đều vớ vẩn. Đó là cách duy nhất để chính quyền thoát khỏi chỉ trích và tránh chi nhiều tiền hơn cho bệnh viện và nhân lực", ông nói.
Chỉ 5 triệu xét nghiệm Covid-19 được thực hiện ở đất nước 1,3 tỷ dân. Khi số người chết ở mức tương đối thấp là 8.102 ca, theo số liệu chính phủ công bố, một số nhà phân tích tin rằng có thể còn nhiều ca chưa báo cáo và do thực tế 65% dân số Ấn Độ dưới 35 tuổi, ít bị tổn thương hơn so với những quốc gia có dân số già hóa.
Thậm chí cả Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah cũng thừa nhận rằng gói kích thích kinh tế 266 tỷ USD mà chính phủ công bố hồi đầu tuần "có thể là một sai lầm, chúng ta có thể đã thất bại" trong cuộc chiến chống virus.
Tình hình tồi tệ đến mức thậm chí tiền bạc và quan hệ cũng không thể giải quyết được vấn đề. Người dân tại những khu phố giàu có bắt đầu mua dự trữ oxy. Ở GK1, khu thượng lưu phía nam Delhi, cộng đồng dân cư đã mua hai máy thở oxy, còn tại tổ hợp nhà ở Eldeco Utopia tại Noida, người dân đã mua 20 máy đo oxy và sắp xếp 5 phòng chứa đầy bình oxy, cáng, xe lăn và quần áo bảo hộ.
"Bong bóng mà chúng tôi đang sống đã vỡ", Rajiv Kakria, cố vấn của khu dân cư GK1, nói. "Bạn có tiền, có quan hệ, quen biết người có ảnh hưởng nhưng chẳng nghĩa lý gì. Bạn vẫn có nguy cơ chờ chết vì thiếu giường bệnh hoặc oxy".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)