Cuối tuần qua, Ấn Độ vượt qua Italy và Tây Ban Nha, trở thành vùng dịch lớn thứ thứ 5 thế giới, với 256.000 người nhiễm nCoV và mỗi ngày ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm. Số người chết vì nCoV ở nước này là 7.135.
Ấn Độ thi hành lệnh phong tỏa từ 24/3. Việc dỡ phong tỏa ở đất nước 1,3 tỷ dân bắt đầu từ 8/6. Dù phong tỏa có tác dụng làm chậm Covid-19 lây lan, nhưng nó cũng tác động nghiêm trọng lên đời sống của người nghèo Ấn Độ, đặc biệt là hàng chục triệu lao động nhập cư.
Các trung tâm mua sắm và nhà hàng đã mở cửa. Nhà thờ, đền thờ, bắt đầu mở lại đón tín đồ nhưng bị giới hạn số lượng và phải duy trì giãn cách xã hội. Tại Delhi, đền thờ 400 tuổi Jama Masjid, một trong những đền thờ lớn nhất Ấn Độ, đang lên kế hoạch giới hạn mở cửa ba lần mỗi ngày, thay vì 5 lần như thường lệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ nhiều lo ngại khi Ấn Độ dỡ phong tỏa vào thời điểm này, khi 50% tổng số ca nhiễm được ghi nhận trong hai tuần qua.
"Chúng ta còn lâu mới đến đỉnh dịch", bác sĩ Nivedita Gupta, chuyên gia của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, một cơ quan của nhà nước, nói.
Tình hình Covid-19 vẫn đặc biệt nghiêm trọng ở Delhi và Mumbai, những thành phố lớn nhất và đông dân nhất tại Ấn Độ, nơi bệnh viện công đang hết giường và từ chối nhận bệnh nhân. Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nhất, ghi nhận 85.975 ca Covid-19.
Vikas Jain, một người dân Delhi, cho biết anh rể mình, Narender Jain, 47 tuổi, mắc Covid-19 và bị 5 bệnh viện từ chối điều trị.
Đầu tiên, Narender bị hai bệnh viện ở Delhi từ chối vì hết giường. 4h sáng ngày 2/6, khi bệnh ngày càng nặng, Narender được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện tư và đặt ống thở, với điều kiện gia đình phải đặt cọc 660 USD nhưng cuối cùng, anh cũng không được nằm lại.
"Sáng hôm sau, khi kết quả xét nghiệm cho thấy anh ấy dương tính Covid-19, bệnh viện nói không thể tiếp nhận vì không có giường và máy thở cho bệnh nhân Covid-19, chúng tôi lại phải tìm nơi khác", Vikas nói. "Tôi không thể tin được khi họ nói xe cứu thương cũng không dành cho bệnh nhân Covid-19 và chúng tôi phải tự lo xe chở anh ấy đi".
Mọi bệnh viện tư ở Delhi mà họ liên hệ đều nói không có giường cho bệnh nhân Covid-19, buộc gia đình phải đưa Narender tới một bệnh viện công khác. Tuy nhiên, khi tới nơi, bệnh viện lại nói không có giường Chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19. Sau hai tiếng nữa, một bệnh viện công khác đồng ý tiếp nhận Narender.
"Thế nhưng không ai điều trị cho anh ấy, thậm chí không có người tiếp đón. Tôi và chị gái phải đưa anh ấy lên cáng, khênh lên tầng hai mà không ai giúp đỡ. Chúng tôi không có trang phục bảo hộ", Vikas nói. "Bệnh viện bảo phải chờ hai tiếng nữa mới có máy thở. Narender qua đời hôm đó".
Arvind Kejriwal, người đứng đầu thành phố Delhi, cuối tuần trước chỉ thị rằng chỉ những người có giấy tờ chứng minh cư trú tại thủ đô mới được nhập viện công. Bình thường, 70% số giường bệnh ở Delhi dành cho người ngoại thành tới điều trị.
"Bệnh viện Delhi phải dành cho người dân Delhi. Nếu chúng ta mở cửa bệnh viện với mọi người, thì 9.000 giường Covid-19 sẽ hết chỗ trong vòng ba ngày", Kejriwal nói. "Nếu có thêm nhiều ca hơn thì lấy chỗ đâu cho bệnh nhân người Delhi?"
Tuy nhiên, vài giờ sau, quyết định này bị thống đốc bang bác bỏ, cho rằng bệnh nhân nào cũng xứng đáng được điều trị. Hôm qua, Kejriwal tự cách ly sau khi đau họng và sốt. Ông sẽ xét nghiệm Covid-19 hôm nay.
Covid-19 xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 7,2 triệu người nhiễm, hơn 408.000 người chết.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)