Các xã ven biển ở huyện Hậu Lộc như Đa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc... thường có những bãi bùn trải rộng hàng trăm ha, kéo dài từ chân đê đến mép nước. Khi thủy triều rút, bãi bùn lộ ra cũng là lúc người dân địa phương đi bắt hải sản, trong đó có loại cua nhỏ được gọi là con khều.
Những người đi bắt khều chủ yếu là phụ nữ trung niên. Để bắt được nhiều nhất, họ phải lội xa bờ 500-700 m, có khi cả vài cây số, bùn ngập đến đầu gối.
Mấy hôm nay, bà Bùi Thị Hồng (46 tuổi, ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) ra biển từ 5h sáng và làm việc liên tục trên bãi bùn đến gần cuối ngày. Do bãi biển tại xã Đa Lộc sâu và ít khều nên bà Hồng cùng nhóm bạn phải đi bộ sang tận vùng biển Hải Lộc, cách nhà khoảng 5 km để mò tìm.
"Dụng cụ săn khều rất đơn giản, tôi thường mang theo một chiếc can loại 20 lít đã cắt đôi, một chiếc xô nhựa và túi lưới nhốt khều khi bắt được", bà Hồng nói. Để tiện di chuyển và cho đôi tay linh hoạt, người săn khều thường cột dây buộc dụng cụ vào ngang thắt lưng rồi kéo lê trên mặt bùn.
Khác với cua, con khều di chuyển rất nhanh. Khi phát hiện có tiếng động, chúng thường chạy thẳng về hang ẩn náu. Vì vậy, người dân phải rất am hiểu tập tính của khều mới có thể chặn bắt chúng dễ dàng. Một số người dân dùng cần để câu khều song không được nhiều bằng móc trực tiếp dưới hang.
"Hang khều thường nằm ở độ sâu 40-50 cm, có những con đào nhiều ngách nối liền với nhau nên khi bắt phải ra tay thật nhanh và chính xác, nếu không chúng sẽ trốn mất", bà Nguyễn Thị Gái chia sẻ kinh nghiệm bắt khều lâu năm.
Con khều biển to gần bằng loài cua đồng trưởng thành song thịt săn chắc hơn. Mùa khều thường bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Chín âm lịch. Mỗi khi ra biển bắt khều, những phụ nữ ở Hậu Lộc thường đi thành từng nhóm 4-5 người để hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Lấm lem bùn sau một ngày làm việc, bà Nguyễn Thị Sáng, 50 tuổi, ở xã Đa Lộc, cho hay trung bình mỗi ngày bắt được 5-7 kg khều. Để tránh bị thương do mảnh sành hay vỏ ốc, vỏ sò đâm rách tay, bà thường đeo hai lớp bao tay cao su bảo vệ. "Dù rất cẩn thận song nhiều hôm bị vật nhọn đâm xuyên, bàn tay tứa máu...", bà nói.
Khều được đưa lên bờ sau đó đem nhập cho thương lái, mỗi kg trước đây giá 40.000-50.000 đồng nhưng nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến giá giảm xuống chỉ còn một nửa. Mỗi ngày công lao động, những người đi bắt khều thu về 150.000 đến 200.000 đồng.
Trước kia người dân chủ yếu bắt khều về nấu canh cải thiện bữa ăn nhưng những năm gần đây, do được nhiều thực khách yêu thích nên khều dần trở thành món đặc sản. Bắt khều cũng trở thành nghề giúp người dân ven biển Hậu Lộc có thêm thu nhập những ngày nông nhàn.
Con khều được dùng để nấu canh hoặc làm bún riêu tại các nhà hàng với vị thơm, ngọt riêng.