Thứ tư, 22/1/2025
Thứ tư, 23/12/2020, 12:11 (GMT+7)

Nông dân Thanh Hóa thu hoạch dong riềng

Xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, vùng trồng dong riềng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, đang vào vụ, mỗi hộ dân phải thuê thêm 20-25 lao động để thu hoạch.

Cánh đồng trồng dong riềng nằm trong thung lũng đồi Ao (thôn Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy). Năm nay, diện tích trồng dong đạt hơn 20 ha, lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Những ngày này, trên các khu vườn, nông dân tất bật thu hoạch dong củ bán cho thương lái.

Nhóm lao động đào dong trên ruộng của ông Phạm Ngọc Thuyết. Ông Thuyết cho biết, trồng cây dong riềng không tốn nhiều công chăm sóc, giống có sẵn từ mùa trước để lại, chỉ tốn công thuê người làm đất và thu hoạch.

Củ dong riềng thường nằm cách mặt đất khoảng 10-15 cm nên nông dân chỉ cần dùng cuốc hất nhẹ là có thể đưa lên.

Mùa thu hoạch củ dong riềng ở Cẩm Bình bắt đầu từ tháng 11 Âm lịch và kết thúc trước Tết Nguyên đán.

“Gia đình tôi trồng được 4 ha dong riềng.Năng suất cây này cao hơn trồng mía, ngô, sắn”, chủ vườn Đỗ Thị Diệu nói. Vào chính vụ thu hoạch, có thời điểm bà phải thuê 20-25 lao động, mức lương 250.000-300.000 đồng/người/ngày công.

Theo các chủ vườn ở xã Cẩm Bình, cây dong riềng rất hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất đỏ bazan nơi đây nên cho năng suất cao. Sau hơn 10 tháng xuống giống, một ha có thể thu được 60-65 tấn củ tươi, với giá bán hiện nay nông dân thu lãi khoảng 30-40 triệu đồng một ha, sau khi trừ chi phí.

Dong củ sau khi phân loại sẽ được đóng vào từng bao tải xuất bán cho thương lái hoặc chở về xưởng nghiền bột. Hiện dong củ được thu mua với giá 15.000 đồng một kg.

Củ dong riềng sau khi rửa sạch sẽ nghiền thành bột để làm miến dong. Sản phẩm miến dong ở Cẩm Thủy có đặc trưng sợi trong, vị ngọt và dai hơn vùng khác.

Huyện Cẩm Thủy đang định hướng quy hoạch vùng trồng nguyên liệu lớn để làm miến dong sạch. Xã Cẩm Bình đã thành lập Hợp tác xã sản xuất miến dong với quy trình khép kín từ gieo trồng đến hoàn thiện sản phẩm. Ông Lê Minh Đức, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm, cho biết nếu xây dựng được thương hiệu sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGap, miến dong nơi đây chắc chắn sẽ được người tiêu dùng lựa chọn.

Lá dong sau thu hoạch còn được nông dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc cho cá.

Dong riềng từng được trồng nhỏ lẻ trong các hộ dân từ xa xưa. Đến khi mô hình thí điểm khôi phục, phát triển nghề trồng và chế biến dong riềng truyền thống theo chuỗi giá trị của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2018, xã Cẩm Bình đã nhân rộng diện tích cây trồng này.

Nông dân Thanh Hoá thu hoạch dong riềng
 
 

Nông dân thu hoạch dong riềng. Video: Lê Hoàng

Lê Hoàng