Chiều 2/4, đại diện hãng xe Be cho biết vừa ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để hoạt động tại đây. Nơi đón khách của hãng ở làn B (từ cột số 7 đến 11) ga đến quốc tế. Khách bay trong nước khi rời nhà ga thay vì đi thẳng ra nhà xe TCP thì rẽ trái, đi chừng 100 m sẽ tới điểm đón khách của Be.
Đại diện hãng Be cho hay tại làn B, đơn vị sẽ bố trí nhân viên điều phối, sắp tài, đảm bảo trật tự, kiểm soát giá cả... Sau khi nhận khách đặt xe qua ứng dụng, tài xế mới được di chuyển từ ngoài vào bãi đệm ở ga quốc tế. Khi khách tới làn B, tài xế mới chạy đến đón. Hãng sẽ thu thêm khách 15.000 đồng phí điểm đón (hiển thị trên ứng dụng khi khách đặt xe), 10.000 đồng phí ôtô dừng đỗ tại sân bay.
"Đơn vị thử nghiệm đón khách tại làn này trong giai đoạn đầu, sau đó tùy tình hình sẽ điều chỉnh, tạo thuận lợi cho khách và tài xế", đại diện Be nói. Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay hiện mới có hãng Be được đón khách tại làn này. Hãng Grab đang hoàn thiện hồ sơ để ký hợp đồng nhượng quyền khai thác đón khách.
Tháng 11/2020, giao thông các làn nội bộ sân bay Tân Sơn Nhất được thay đổi. Sau điều chỉnh, khách muốn đi xe công nghệ như GrabCar, BeCar phải lên các tầng 3, 4, 5 của nhà xe TCP, thay vì đón xe trước sảnh ga quốc nội như trước. Tài xế xe công nghệ mỗi lần vào rước khách tốn thêm 15.000 đồng.
Riêng 4 hãng taxi Vinasun, Mai Linh, Vina, Saigontourist và 6 đơn vị kinh doanh vận tải là Sasco, Satsco, Sóng Việt, ACV Unico, Avigo, Công đoàn Cảng vụ hàng không miền Nam được đón khách ở làn D trước ga quốc nội vì đã ký hợp tác nhượng quyền với sân bay. Trong chia sẻ vào năm ngoái, Vinasun cho biết phải chi trả 5-7 tỷ đồng phí nhượng quyền khai thác mỗi năm.
Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020 công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm, nhưng từ năm 2017 đón gần 40 triệu lượt. Tăng trưởng quá nhanh khiến sân bay quá tải, ùn tắc cả trong lẫn ngoài. Để giảm ùn ứ các đường nội bộ, ôtô vào sân bay không được dừng quá 3 phút đón trả khách.
Gia Minh - Viễn Thông