Sau khi gây tranh cãi vì đưa ra điều kiện trước khi điều trần, Sam Bankman-Fried (SBF) tiếp tục có những phát ngôn gây chú ý trong buổi phỏng vấn với The Block hôm 5/12.
"Tôi bị sa thải"
Ngày 11/11, John J. Ray III được bổ nhiệm làm CEO mới của sàn tiền số FTX. Ngay sau đó, công ty nộp đơn xin phá sản. Bankman-Fried nói trong phỏng vấn hôm qua: "Tôi bị sa thải trong lúc công ty gặp nhiều khó khăn nhất. Ray III và nhóm của anh ta không liên lạc với tôi, không phản hồi lấy một tin nhắn từ tôi. Họ gần như không quan tâm những gì tôi nói".
SBF khẳng định Ray III đang đưa ra các tuyên bố sai sự thật về FTX. "Tôi biết có rất nhiều thông tin sai được đưa vào hồ sơ pháp lý. Tôi không biết đó chỉ đơn giản là sai lầm hay cố tình nói dối. Tôi đã email rất nhiều nhưng không được hồi đáp", cựu CEO FTX nói về người kế nhiệm mình.
Trước đó, trong hồ sơ xin phá sản gửi tòa án, ông Ray III nói FTX đã được điều hành bởi "những người thiếu kinh nghiệm, nhạy bén và dễ bị thao túng". Ông cũng khẳng định tình hình tài chính của công ty là thứ tồi tệ nhất mình từng gặp trong sự nghiệp.
Bankman-Fried rời FTX khi công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Delaware tháng trước. Đế chế của SBF từng được định giá 32 tỷ USD nhưng giờ ông nói mình chỉ còn khoảng 100.000 USD trong tài khoản ngân hàng. Trước khi FTX sụp đổ, Bankman-Fried xuất hiện rầm rộ trên truyền thông để kể về hành trình trở thành tỷ phú của mình. Sau khi thảm họa FTX xảy ra, ông gần như biến mất khỏi mạng xã hội.
"FTX không phải mô hình Ponzi"
Bankman-Fried bác bỏ tuyên bố của Ray III về khả năng kiểm soát tài chính tệ hại của FTX. Trong hồ sơ, Ray nói FTX thậm chí không biết họ nợ khách hàng bao nhiêu tiền, có bao nhiêu nhân viên. CEO mới cũng nói FTX có chính sách đặc biệt cho quỹ đầu tư Alameda và thiếu quản trị doanh nghiệp phù hợp.
"Tôi bác bỏ mọi tuyên bố nói FTX không được kiểm soát về tài chính. Nhưng tôi thừa nhận có những khâu quan trọng nhưng được quản lý tệ hại", Bankman-Fried nói. Ông cũng khẳng định, dù tình hình tài chính của FTX là đáng xấu hổ, công ty đã "làm ăn đoàng hoàng trước khi sụp đổ và không phải Ponzi (lừa đảo đa cấp)".
"Không chắc về mối quan hệ của Alameda và FTX"
Tâm điểm của cú sập FTX là mối quan hệ của công ty với quỹ đầu tư Alameda. Khủng hoảng bắt đầu khi CZ, CEO Binance, tuyên bố bán toàn bộ token FTT của sàn FTX mà ông đang nắm giữ. Khi đó Caroline Ellison, cựu CEO Alameda Research, đã đề nghị mua lại số token với giá 22 USD. Sai lầm này khiến giá FTT giảm mạnh và FTX phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong vòng một tuần.
Bankman-Fried luôn né tránh câu hỏi về mức độ tác động của ông đến các quyết định đầu tư của Alameda. Ông từ chức CEO quỹ này năm 2021 do lo ngại xung đột về lợi ích. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy Bankman-Fried và nhóm thân cận vẫn sử dụng quỹ Alameda như một cửa sau trong hệ thống của FTX. Nó cho phép Bankman-Fried thay đổi hồ sơ tài chính mà không cần thông báo cho kiểm toán viên.
"Mọi thứ đều có thể", Bankman-Fried bình luận về các tin đồn liên quan đến Alameda. "Tôi nhớ rằng Alameda có thể được thế chấp quá mức trên FTX. Tôi không chắc, giống như cố ý, một kiểu quan hệ đặc biệt hay bất kỳ thứ gì", nhà sáng lập FTX trả lời ậm ờ về mối quan hệ với quỹ Alameda.
Ông cũng không trả lời rõ ràng về việc liệu FTX có sử dụng tiền gửi của khách hàng để cho Alameda vay vốn hay không. Ông nói mình không biết "chi tiết về cách hệ thống hoạt động".
Sau thảm họa FTX, Bankman-Fried đang được kêu gọi ra điều trần trước quốc hội Mỹ vào 13/12 để giải thích chi tiết về sự sụp đổ của công ty. Tuy nhiên, SBF nói ông chỉ thực hiện điều này khi đã "hiểu đầy đủ về mô hình hoạt động của công ty".
Khương Nha (theo The Block)