Các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ gồm Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Maxine Waters và nghị sĩ Patrick McHenry của Bắc Carolina liên tục kêu gọi cựu CEO 9x và các giám đốc khác của FTX ra điều trần. Ngày 2/12, bà Waters nói trên Twitter: "Chúng tôi đánh giá cao việc cậu thẳng thắn thảo luận về những gì xảy ra tại FTX. Điều này tốt cho khách hàng, nhà đầu tư và những người liên quan. Chúng tôi hoan nghênh sự có mặt của cậu trong phiên điều trần 13/12".
Đến ngày 5/12, Sam Bankman-Fried phản hồi "Tôi thấy mình có trách nhiệm phải có mặt và giải trình trước ủy ban điều tra. Nhưng tôi không chắc sẽ tham gia vào phiên điều trần ngày 13/12 hay không. Tôi cần học và xem xét lại những gì đã xảy ra. Lúc nào sẵn sàng tôi sẽ ra điều trần".
Bà Waters chưa bình luận về phản hồi của SBF nhưng những phát ngôn của cựu CEO 9x đã gây phẫn nộ trong cộng đồng tiền mã hóa. Một số người cho rằng ông quá ngông cuồng khi ra yêu sách với cả các nhà lập pháp. Blogger Zero Hedge, có 1,5 triệu người theo dõi trên Twitter, châm biếm: "Tôi có thể mất 50 năm để hiểu hết những gì trong công ty do mình điều hành. Như vậy chắc phải đến năm 2089 tôi mới trình diện trước Quốc hội".
Theo Coin Telegraph, nhiều người dẫn lại các báo cáo về những khoản khuyên góp khổng lồ của SBF khi còn là CEO FTX cho đảng Dân chủ, ngụ ý những khoản tiền đó đã giúp ông thoát khỏi tội lừa đảo và mạnh dạn ra điều kiện với các nhà lập pháp. Tài khoản Devin Simonson ẩn ý trên Twitter: "Nếu phải ra điều trần, SBF cũng không cần nhắc đến lời tuyên thệ trong ngôi nhà của mình". Tỷ phú Elon Musk cũng tham gia cuộc thảo luận này khi nói: "Hoàn toàn đồng ý, cứ để cậu ta thoải mái trong ngôi nhà lớn và tiếp tục cho những 'người lớn' chờ đợi".
Coin Telegraph cho biết cộng đồng tiền mã hóa đang đặt ra câu hỏi lớn cho các nhà lập pháp Mỹ khi họ không có hành động cụ thể nào với nhà sáng lập FTX từ khi công ty này sụp đổ. Trước đó, CNBC dẫn lời bà Waters: "Sự sụp đổ của FTX gây ra tác hại to lớn cho hơn một triệu người dùng, nhiều trong đó đã dành khoản tiết kiệm cả đời để đầu tư nhưng tất cả đã biến mất trong vài giây". Trong khi đó, nghị sĩ McHenry cũng cho rằng Bankman-Fried cần làm rõ những gì đã xảy ra tại FTX cũng như phải đền bù cho những người thiệt hại. "Người dùng đang bị bỏ mặc", ông nói.
Sau khi FTX nộp đơn phá sản ngày 11/11, cựu CEO Sam Bankman-Fried đã đăng một loạt tweet nói về nguyên nhân khiến sàn sụp đổ, sau đó gần như biến mất khỏi mạng xã hội. Ngày 30/11, ông xuất hiện trong sự kiện DealBook do New York Times tổ chức. Một ngày sau, ông tham gia một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Thông điệp xuyên suốt Bankman-Fried truyền đi trong những lần xuất hiện là sự sụp đổ của FTX xuất phát từ lỗi bất cẩn và do ông quá tự tin chứ không cố tình lừa người dùng. Ông thậm chí tin mình không phải chịu trách nhiệm hình sự sau thảm họa.
Đánh giá về những phát biểu của nhà sáng lập FTX, Brian Armstrong, CEO Coinbase, viết trên Twitter: "Ngay cả những người cả tin nhất cũng không nên tin những gì Bankman-Fried nói".
Theo CNBC, nếu chiếu theo luật phá sản của Mỹ, sàn giao dịch tiền số FTX đang có hơn một triệu chủ nợ. Ngày 28/11, BlockFi, một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới, đã tuyên bố phá sản do liên quan đến vụ sập sàn FTX.
Khương Nha