"Tôi chưa bao giờ cố gắng lừa đảo", Bankman-Fried khẳng định trong sự kiện trực tuyến Dealbook Summit của New York Times ngày 30/11, thêm rằng ông không nghĩ mình sẽ phải chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào.
Đây cũng là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông sau thảm họa FTX diễn ra đầu tháng 11.
FTX đang phải đối mặt với một loạt vấn đề pháp lý. Văn phòng luật sư Mỹ tại Manhattan giữa tháng 11 đã bắt đầu điều tra cách sàn này xử lý tiền của khách hàng. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cũng đưa sàn này vào tầm ngắm. Ngoài ra, bản thân Bankman-Fried đang bị kiện và có thể đối mặt với án phạt cao nhất là tù chung thân.
Nhà sáng lập FTX nói ông đang ở Bahamas, nhưng có thể sẽ về Mỹ và tin "sẽ không có rủi ro pháp lý nào".
Trước đó, theo Reuters, Bankman-Fried được cho là đã chuyển hơn 10 tỷ USD từ FTX sang Alameda Research cho "mục đích riêng". Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng thanh khoản của sàn và sụp đổ. Vào tháng 11, ông khẳng định không "bí mật chuyển tiền" mà chỉ "gắn nhãn nội bộ gây khó hiểu".
FTX nộp đơn xin phá sản từ 11/11, còn Bankman-Fried từ chức CEO. Hồi tháng 4, ông là tỷ phú tiền số giàu thứ hai thế giới theo xếp hạng của Forbes với 24 tỷ USD. Đầu tháng này, ông vẫn sở hữu tài sản trị giá 15,6 tỷ USD nhưng nhanh chóng trở thành con nợ sau hai ngày ngắn ngủi. Trong phỏng vấn với Axios gần đây, ông thừa nhận tài khoản của mình chỉ còn khoảng 100.000 USD.
Dù gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, hiện ông vẫn chưa bị bắt.
Sam Bankman-Fried, sinh năm 1992, từng được xem là thần đồng của thị trường tiền mã hóa. Năm 2019, ông thành lập FTX và vận động hành lang nhằm xây dựng một sàn giao dịch tiền mã hóa được pháp luật bảo hộ. Năm ngoái, khi FTX trên đỉnh cao, Bankman-Fried từng tuyên bố muốn thâu tóm cả CME Group và ngân hàng Goldman Sachs.
Bảo Lâm