Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết trẻ bị tiêu chảy khi đi tiêu trên 3 lần trong 24 giờ và phân tiêu ra lỏng. Tiêu chảy làm trẻ bị mất nước và điện giải theo phân. Điều này rất nguy hiểm, cơ thể trẻ nhanh chóng bị khô kiệt dẫn đến tử vong nếu không được bù nước kịp thời và thích hợp. Tiêu chảy còn là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng.
Thời tiết nắng nóng là thời điểm trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhiều vì thức ăn dễ ôi thiu, thiếu nguồn nước sạch. Theo bác sĩ Phúc, phụ huynh chăm trẻ cần lưu ý tránh một số sai lầm thường gặp sau:
Cho trẻ nhịn ăn
Nhiều phụ huynh cho rằng nhịn ăn giúp trẻ bớt tiêu chảy. Điều này rất nguy hiểm vì bản chất của tiêu chảy là do vi trùng, siêu vi tấn công khiến niêm mạc bị hư hại. Muốn niêm mạc lành thì phải có dưỡng chất tái tạo niêm mạc. Trẻ nhịn ăn, không có đủ dưỡng chất tái tạo sẽ khiến quá trình hồi phục chậm, trẻ tiêu chảy nhiều hơn. Hơn nữa việc nhịn ăn có thể gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng phát triển. Thực tế dù trẻ tiêu chảy nhưng vẫn còn khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng. Chỉ cần tạm ngưng các thực phẩm nhuận trường, hạn chế thức ăn quá ngọt...
Nôn nóng cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy
Vì nôn nóng muốn trẻ hết tiêu chảy ngay lập tức nên nhiều phụ huynh cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, thuốc này chống chỉ định cho trẻ dưới 5 tuổi vì chất thải ứ đọng trong ruột có thể gây tình trạng thủng ruột.
Uống dung dịch nước biển khô thay nước sôi để nguội
Nên uống nước sôi để nguội thông thường hoặc dung dịch bù nước oresol pha sẵn theo hướng dẫn. Với dung dịch nước biển, thường cho uống sau khi trẻ đi tiêu lỏng chứ không nên uống cả ngày vì có thể khiến trẻ ngộ độc muối, gây nặng hơn tình trạng tiêu chảy. Nếu trẻ còn bú mẹ thì nên bú mẹ càng nhiều càng tốt, giúp trẻ vừa bù nước vừa có đủ năng lượng.
Có thể dùng các loại nước thay thế khác như nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt, nước dừa tươi... Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tránh các thức uống có cà phê.
Cứ nghĩ là phải truyền nước biển
Không ít phụ huynh lầm tưởng trẻ tiêu chảy là cần phải truyền nước biển ngay lập tức. Thực tế phương pháp hiệu quả nhất là bù dịch bằng đường uống phù hợp.
Cho trẻ nhịn ăn, nhịn uống vì tiêu chảy kèm nôn ói
Hầu như tiêu chảy đều kèm nôn ói giai đoạn đầu hoặc sau đó. Đây là yếu tố cản trở bé uống bù dịch. Cần bình tĩnh dọn dẹp chất ói, thay đồ sạch sẽ cho trẻ. Đừng để trẻ ngồi đó với đống chất ói vì trẻ sẽ rất sợ hãi. Lúc này nên cho bé nằm cao hơn, cho uống nước với tốc độ chậm. Khi uống đủ nước trẻ sẽ giảm nôn ói và tiến hành cho ăn bình thường. Không ép trẻ ăn uống quá nhiều, quá nhanh.
Chủ quan không mang trẻ đi khám
Trẻ bị tiêu chảy hầu hết có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ sốt cao khó hạ, li bì khó đánh thức, co giật... Trẻ đi tiêu phân có máu, dấu hiệu chuyển qua kiết lỵ cần phải điều trị kháng sinh theo chỉ định bác sĩ. Trẻ trở nên uống nước nhiều, khóc không có nước mắt là dấu hiệu mất nước, có thể chuyển nặng.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, cần thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ, vệ sinh môi trường, tăng cường sức đề kháng để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ. Ngoài ra cần thực hiện đầy đủ việc chích ngừa, đặc biệt là văcxin ngừa tiêu chảy để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Lê Phương