Tiêu chảy là gì
Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng tiêu phân lỏng trên 2 lần một ngày và lượng phân lớn hơn 200 g một ngày. Tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, người ta chia tiêu chảy ra tiêu chảy cấp tính nếu thời gian mắc bệnh dưới 2 tuần, tiêu chảy dai dẳng nếu thời gian mắc bệnh 2-4 tuần và tiêu chảy mạn tính nếu thời gian mắc bệnh từ 4 tuần trở lên.
Cơ chế gây bệnh:
Có 5 nhóm cơ chế:
- Tiêu chảy do thẩm thấu: Niêm mạc ruột như một màng bán thấm, khi trong lòng ruột có một lượng lớn các chất có tính thẩm thấu cao nhưng không được hấp thu, theo nguyên tắc vật lý sẽ làm cho nước di chuyển vào lòng ruột gây tiêu chảy.
- Tiêu chảy do dịch tiết: Một số chất như độc tố vi khuẩn trong bệnh nhiễm trùng đường ruột, thuốc nhuận trường sẽ kích thích bài tiết nước vào lòng ruột.
- Tiêu chảy do viêm: Niêm mạc ruột bị tổn thương do vi trùng, virus, ký sinh trùng, khi đó niêm mạc ruột bị viêm, bài tiết chất nhầy, máu, mủ vào lòng ruột và rối loạn hấp thu nước và các chất hòa tan.
- Tiêu chảy do rối loạn vận động ruột: Thường gây tiêu chảy mạn tính, một số bệnh toàn thân gây rối loạn vận động ruột như đái tháo đường, cường giáp, suy tuyến thượng thận.
- Tiêu chảy do phối hợp ít nhất 2 trong 4 cơ chế trên.
Nguyên nhân
- Nhiễm trùng, nhiễm độc: Là nguyên nhân hàng đầu và hay gặp nhất, nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, độc chất vi trùng, các chất độc như chì, thủy ngân, asennic…
- Chế độ ăn: Không dung nạp thức ăn, dị ứng thức ăn, rượu...
- Tác dụng phụ của thuốc sử dụng.
- Các bệnh khác như viêm ruột thừa, xuất huyết tiêu hóa.
Biểu hiện
- Bệnh có một số triệu chứng điển hình như đầy bụng, sôi bụng, bụng chướng hơi, người mệt lả, sốt, da xanh tái... Biểu hiện tình trạng mất nước như khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh...
Hậu quả
- Mất nước.
- Rối loạn các chất điện giải trong cơ thể.
- Nhiễm trùng nhiễm độc.
- Có thể gây tử vong nếu không điều trị đúng.
Điều trị
Tùy thuộc vào số lần đi tiêu:
- Tiêu 1-3 lần một ngày: Điều trị chủ yếu là bù dịch.
- Đi 3-5 lần một ngày: Bù dịch và điều trị triệu chứng (thuốc làm khô phân, giảm dịch tiết, giảm nhu động ruột)
- Đi trên 6 lần mỗi ngày: Bù dịch và sử dụng kháng sinh.
Dự phòng bệnh
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín.
- Rửa tay sạch bằng nước và xà phòng trước, sau khi ăn uống, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý phân đúng theo quy định. Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi. Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
- Kiểm soát ruồi.
- Sử dụng nguồn nước an toàn trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
- Nuôi con bằng sữa mẹ.
- Sử dụng kháng sinh dự phòng khi du lịch vào vùng có nguy cơ cao.
- Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy