Shane Frederick tại ĐH Yale (Mỹ) là một trong những người đầu tiên thực hiện nghiên cứu giải thích lý do tại sao tư duy lý trí và trí thông minh không có xu hướng đi đôi với nhau.
Trong nghiên cứu của mình, Frederick đưa ra câu hỏi đơn giản thế này: Một cây gậy bóng chày và quả bóng có giá 1,1 USD. Cây gậy đắt hơn một đô la so với quả bóng. Vậy quả bóng giá bao nhiêu?
Frederick nhận thấy những người tự tin thường thốt ra câu trả lời sai, rằng quả bóng giá 10 xu. Trong khi, đáp án đúng của bài toán này là quả bóng giá 0,05 USD, tức năm xu.
Các nhà tâm lý học từ ĐH James Madison và ĐH Toronto (Canada) thực hiện nghiên cứu tương tự. Họ đã đưa ra các bài kiểm tra logic cho hàng trăm người và so sánh độ chính xác của câu trả lời lẫn mức độ thông minh. Kết quả cho thấy, những người thông minh trả lời sai nhiều hơn. Nguyên nhân do họ mắc nhiều lỗi tinh thần khi giải quyết vấn đề.
Các chuyên gia cho rằng, người thông minh thường dễ mắc phải những điểm mù trong cách họ sử dụng logic. Những điểm mù này tồn tại vì họ quá tự tin vào khả năng lý luận của mình. Có nghĩa là, họ đã quá quen trả lời nhanh và chính xác.
Một số cách phổ biến nhất mà những người thông minh có thể "tự bắn vào chân mình".
Tự tin thái quá
Cả đời được khen ngợi và vỗ về khiến người thông minh phát triển niềm tin quá mức vào chất xám và khả năng của họ. Khi cái tôi được vuốt ve bằng bảng thành tích ngày càng lớn và được ngưỡng mộ, họ tin mọi thứ sẽ luôn theo ý mình.
Nhưng đây là một niềm tin nguy hiểm. Những người thông minh thường không nhận ra khi nào cần sự giúp đỡ. Có cần giúp đỡ, họ cũng nghĩ không ai có đủ khả năng hỗ trợ mình.
Thúc ép người khác quá mức
Những người thông minh làm mọi việc dễ dàng nên nghĩ người khác cũng cần nhanh nhẹn như mình. Họ không hiểu người khác phải làm việc chăm chỉ thế nào để đạt được điều tương tự.
Những người có IQ cao đặt tiêu chuẩn cao. Vì vậy, người khác mất quá nhiều thời gian, cố gắng nhưng mọi thứ không ổn, họ quy kết rằng những người đó thiếu nỗ lực. Người thông minh chăm chăm cố gắng hơn nữa, quên việc cần giúp người khác đạt được mục tiêu.
Họ luôn cần phải đúng
Con người thường khó chấp nhận sự thật họ đã sai. Điều đó càng khó hơn đối với những người thông minh, khi đã quá quen với việc luôn đúng đến mức nó trở thành một phần bản sắc. Đối với người trí tuệ cao, nói rằng họ sai có thể là một cuộc tấn công cá nhân.
Thiếu trí tuệ cảm xúc
Mặc dù không phải người có trí thông minh (IQ) sẽ có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao (Người thông minh thường có chỉ số EQ nhiều như những người khác), nhưng nếu một người thông minh thiếu EQ, nó thể hiện rất rõ. Với những người IQ cao, EQ thấp, thành tích là tất cả những gì quan trọng nhất, con người và cảm xúc chỉ là "thứ cản đường".
Dễ bỏ cuộc khi thất bại
Bạn đã bao giờ xem một sự kiện thể thao và nhìn thấy vẻ mặt sững sờ trên khuôn mặt của một vận động viên ai cũng nghĩ sẽ giành chiến thắng, nhưng lại thua không?
Những người thông minh dễ rơi vào cái bẫy coi thất bại là ngày tận thế. Họ quá quen với thành công nên thất bại trở thành thứ khó dung thứ. Trong khi, những người phải làm việc chăm chỉ để đạt được điều gì đó có nhiều kinh nghiệm đối phó với thất bại. Họ học cách đón nhận nó vì biết thất bại là bước đệm để thành công.
Họ rất khó chấp nhận phản biện
Những người thông minh thường đánh giá thấp ý kiến của người khác. Họ tin mọi người không có phản biện hữu ích cho mình.
Suy nghĩ này không chỉ cản trở sự phát triển và hiệu suất, mà còn có thể dẫn đến các mối quan hệ độc hại, cả trong quan hệ cá nhân lẫn công việc.
Nhật Minh (Theo Forbes)