Người thông minh không chỉ có chỉ số IQ cao, mà còn biết áp dụng kiến thức một cách linh hoạt, chủ động dẫn dắt cuộc sống thông qua những kinh nghiệm học được. Người thông minh còn có khả năng phán đoán tốt trong các tình huống khác nhau, hơn nữa hiểu rõ hành động mạnh hơn lời nói.
Cùng trải nghiệm 5 cách suy nghĩ của người thông minh.
1. "Hiệu ứng lồng chim" tạo nên những thói quen tốt
Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng có lần cá cược với người bạn thân tên Carlson: "Tôi sẽ khiến bạn phải nuôi một con chim". Carlson không tin vì ông chưa bao giờ thích nuôi chim.
Vào sinh nhật Carlson, James tặng một chiếc lồng chim. Món quà được đặt lên bàn làm việc với suy nghĩ "đây chỉ là một sản phẩm thủ công đẹp". Nhưng không ngờ, khách khứa ghé thăm nhìn thấy lồng chim, đều chung câu hỏi: "Giáo sư, ngài nuôi chim phải không?" Carlson luôn tốn công giải thích: "Tôi chưa bao giờ nuôi chim". Nhưng câu trả lời này chỉ đổi lại sự nghi hoặc và ánh mắt ngờ vực. Bất đắc dĩ, Carlson đành mua một con chim bỏ vào lồng.
"Hiệu ứng lồng chim" được ứng dụng khá nhiều trong cuộc sống. Người thông minh có thể áp dụng điều này để giúp bản thân hình thành nên những thói quen tốt như đọc sách, tập thể dục hay thức dậy sớm hơn mỗi ngày. Ví dụ, để tạo thói quen đọc sách, bạn hãy mua một cuốn sách, đặt ở nơi nhiều người nhìn thấy. Bạn sẽ thường xuyên bị hỏi: "Đã đọc cuốn sách này chưa?"; "Cuốn này hay không?". Rất có thể một ngày nào đó bạn sẽ ngồi xuống và đọc cuốn sách đó.
2. "Luật Jidelim" phải phát hiện ra vấn đề
Nhà quản lý nổi tiếng của hãng General Motors, Mỹ Jidelim từng nói: "Khám phá ra một vấn đề thường quan trọng hơn giải quyết nó. Nếu bạn viết ra rõ ràng, một nửa vấn đề đã được giải quyết".
Steinmenz là một kỹ sư nổi tiếng được hãng Ford yêu cầu sửa chữa động cơ. Do động cơ bị hỏng nên toàn bộ dây chuyền sản xuất ô tô bị dừng lại, công ty đã cử nhiều kỹ sư sửa chữa nhưng đều bó tay. Steinmenz không nhanh không chậm, chăm chú quan sát và dò dẫm động cơ khá lâu. Sau đó vẽ lên một đường ở một vị trí và nói: "Ở đây thiếu một vòng cuộn cảm biến". Sau khi thay mới cuộn cảm, động cơ quả thực đã hoạt động trở lạ. Giám đốc rất mừng hỏi Steinmenz lấy phí sửa bao nhiêu, Steinmenz đáp: "10.000 USD cho đường vạch đó". Thấy mặt vị giám đốc biến sắc, Steinmenz quay người viết một tờ giấy: "Nét vẽ: 1 USD; biết nên vẽ ở đâu: 9.999 USD". Sau đó, chủ tịch của Ford không chỉ đồng ý trả tiền cho Steinmenz mà còn đưa ra một mức lương vô cùng hấp dẫn mời ông về làm cho mình.
Thực ra, kĩ sư nào của hãng Ford cũng đều biết một động cơ cần 20 vòng cuộn cảm, có điều Steinmenz lại là người duy nhất biết nó bị thiếu ở chỗ nào. Chúng ta mỗi khi gặp vấn đề đều cuống cuồng tìm cách giải quyết, nhưng lại không nỡ dành ra một phút để tĩnh lại, suy nghĩ thấu đáo. Nên nhớ, người thông minh không phải là người hành động đầu tiên mà là người phát hiện ra vấn đề nhanh nhất.
3. "Định luật Falkland" đợi và nắm thời cơ đúng lúc
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp Falkland từng đưa ra kinh nghiệm của bản thân: "Khi không biết hành động thế nào thì tốt nhất đứng yên, không đưa ra quyết định. Bởi bạn sẽ không biết sau đó là cơ hội hay cái bẫy".
Năm 1973, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra khiến mọi thứ trở nên trì trệ. Khi đó nhiều thương hiệu cà vạt giảm sản lượng và hạ giá. Nhiều người đồn rằng, Goldlion - một thương hiệu thời trang nam giới nổi tiếng tại Hong Kong – cũng sẽ nằm trong quy luật. Thế nhưng bất ngờ là người sáng lập của thương hiệu này lại không thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Thay vào đó, người đàn ông này âm thầm quan sát. Sau một thời gian, ông phát hiện ra, rất nhiều cửa hàng ngoài việc giảm thiểu những mẫu cà vạt có chi tiết hoa văn, còn giảm số kệ và số lượng bày bán. Người đàn ông đã tận dụng cơ hội này để thuê các quầy giá rẻ, đồng thời cho sản xuất số lượng lớn những cà vạt nhiều sắc màu. Khi nền kinh tế được phục hồi, Goldlion nhanh chóng có được lợi thế trên thị trường.
Nhà xã hội học Andy J. Sklivis từng nói: "Cứ kiên nhẫn chờ đợi, cối xay gió trước giờ không bao giờ tự chạy đi tìm gió". Cuộc sống giống như cối xay gió, gió chính là tài sản. Tư duy của người thông minh đôi khi nằm ở chỗ, phải biết nắm thời cơ.
4. "Hiệu ứng ban đầu" giúp tạo ấn tượng tốt
Nếu một người để lại ấn tượng tốt trong lần giao tiếp đầu tiên, mọi người sẵn sàng mở lòng với anh ta. Ấn tượng tốt ban đầu có giá trị rất quan trọng, tác động tích cực đến mối quan hệ sau này.
Chúng ta có thói quen phân loại và sắp xếp những người và những thứ chúng ta thấy, nói đơn giản là gắn cho họ một cái nhãn nào đó. Khi nhận được thông tin từ bên ngoài, tâm trí ta sẽ hình thành nên một khung nhận thức. Sau đó, thông tin nhận được sẽ được tích hợp vào khung và một khi nó bị rập khuôn thì rất khó thay đổi.
Bởi vậy mới nói hiệu ứng đầu tiên rất quan trọng, đóng vai trò quyết định trong mối quan hệ giao tiếp giữa con người. Chỉ cần nắm bắt một cách chính xác, chắc chắn sẽ tạo được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
5. Hiệu ứng "Nghe nhiều hơn nói"
Có một giai thoại dân gian kể rằng: Một nước nhỏ cống tiến cho vua Trung Quốc ba bức tượng người vàng, ngoại hình và trọng lượng rất giống nhau kèm lời nhắn: Có một bức quý nhất.
Rất nhiều đại thần đều không tìm được đâu là bức đắt giá nhất đó. Cuối cùng có một vị quan đứng ra, ông đặt ba sợi tơ vào 3 chiếc tai của ba bức tượng. Bức thứ nhất, sợi tơ đi ra từ chiếc tai còn lại; bức thứ hai sợ tơ đi ra từ cái miệng; bức thứ ba, sợi tơ rơi xuống dưới bụng. Vị quan nói, bức quý nhất là bức tượng thứ 3 và ba bức tượng này phản ánh ba kiểu người. Kiểu thứ nhất, nghe tai trái ra tai phải, kiểu người này không biết thế nào là lắng nghe. Kiểu thứ hai, nghe được nhưng không suy nghĩ đã nói ra, nói nhiều nhưng vô ích. Kiểu thứ ba, vừa biết lắng nghe, vừa biết giữ lời, có chừng mực, hiểu nhiều nói ít.
Vy Trang (Theo aboluowang)