Bùi Minh Đức, học viên thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ, chia sẻ quan điểm về việc "săn Tây" để luyện tiếng Anh.
Cách đây 10-15 năm, khi tôi mới bắt đầu thời sinh viên, "săn Tây" xuất hiện và nhanh chóng trở nên phổ biến. "Săn Tây" nghĩa là người học tiếng Anh, chủ yếu là học sinh, sinh viên, mong muốn cải thiện khả năng ngoại ngữ, chủ động tìm cách bắt chuyện với khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Thời điểm đó và cả bây giờ, "săn Tây" phổ biến tại Hà Nội, cụ thể là khu vực Phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, vì tập trung nhiều du khách, lại có không gian rộng, thoáng đãng để trò chuyện.
"Săn Tây" xuất phát từ mục tiêu rất tốt: cải thiện việc học tiếng Anh. Khi trường lớp chưa thể cung cấp đủ điều kiện cho người học giao tiếp, trò chuyện với người bản xứ cùng việc Internet chưa phổ cập như hiện nay, "săn Tây" là cách sáng tạo để học sinh, sinh viên chủ động với việc học tiếng Anh.
Tuy nhiên, "săn Tây" có nhiều bất cập và thật sai lầm khi nghĩ phải làm việc này mới giỏi tiếng Anh. Hoạt động này không còn phù hợp ở hiện tại và tôi cho rằng nên dừng việc này.
Thứ nhất, ngay trong cách gọi thực hành này đã khiến nhiều người nhíu mày. "Săn Tây" khiến người ta liên tưởng đến việc coi khách du lịch như những con thú, trong khi các bạn trẻ như đám thợ săn nháo nhác đi tìm một, hai vị khách "Tây" để trò chuyện. Quả thật, nếu chứng kiến cảnh tượng này, các bạn sẽ thấy khá giống khi nhiều bạn trẻ thường đi thành nhóm đông, quây quanh một vài khách du lịch và hỏi rất nhiều câu dồn dập.
Thứ hai, không phải vị khách nào cũng sẵn sàng khi bị một nhóm học sinh lạ mặt quây quanh như vậy. Tình huống đó có thể khiến họ cảm thấy mất an toàn, dễ bị cướp giật khi không để ý. Tâm lý đề phòng này càng lớn khi họ ở những nơi xa lạ.
Vì không tìm hiểu trước những khía cạnh nhạy cảm văn hóa, câu hỏi của nhiều bạn trẻ đặt ra cũng khá riêng tư như, chẳng hạn: Bạn làm nghề gì? Bạn đến từ đâu? Bạn có vợ, chồng chưa? Người Việt Nam có thể coi đó là các câu hỏi bình thường nhưng ở Mỹ, tôi thường rất tránh hỏi người lạ những câu như vậy - và thường mọi người cũng không có thói quen trả lời người lạ khi tự dưng bị chặn lại.
Thứ ba, việc "săn Tây" với tôi không phải là một cách học tiếng Anh quá hiệu quả khi so sánh công sức các bạn bỏ ra.
Đơn giản vì khi bạn trò chuyện với khách nước ngoài, bạn thường lặp đi lặp lại một số câu hỏi nhất định. Nhiều vị khách cũng chỉ sẵn lòng trả lời cho bạn vài câu như vậy rồi rời đi và bạn phải tiếp tục tìm các du khách khác, lặp lại những câu hỏi tương tự. Việc trò chuyện với người nước ngoài có thể giúp nhiều bạn trẻ tự tin hơn, nhưng cải thiện tiếng Anh được trong các tình huống như vậy quả thực rất khó.
Không chỉ vậy, khái niệm "Tây" vốn chỉ người đến từ nhiều quốc gia phương Tây và không ai cũng nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất. Nhìn một cách tích cực, nói tiếng Anh với nhiều người đến từ các nước khác nhau có thể giúp bạn nghe hiểu nhiều ngữ điệu (accent), nhưng để luyện tiếng Anh một cách chuẩn chỉ cho người mới bắt đầu, đây không phải lựa chọn tối ưu.
Nếu không "săn Tây", người học có thể làm gì?
Sự phát triển của Internet giúp thế hệ trẻ tiếp cận vô vàn tài liệu học tiếng Anh. Rất nhiều chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ giúp kết nối người học với các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Australia, Anh... Mạng xã hội cũng giúp bạn dễ dàng tìm kiếm những người bạn để luyện tập tiếng Anh, từ các cộng đồng người nước ngoài sống tại Việt Nam cho đến những hội nhóm du học. Việc trao đổi ngôn ngữ giờ đây đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều nhờ Internet.
Tham gia các câu lạc bộ, tổ chức sinh viên cũng là cách tốt. Thời sinh viên, tôi là thành viên của Hanoikids - câu lạc bộ của các bạn trẻ chuyên hướng dẫn khách nước ngoài tham quan Hà Nội. Vì vậy, các thành viên không phải "săn Tây" mà vẫn có cơ hội trò chuyện với khách du lịch. Thời gian này đã giúp tôi cải thiện khả năng tiếng Anh rất nhiều.
Hãy dành nhiều thời gian để thực hành tiếng Anh thông qua các hình thức đa dạng như đọc báo, xem phim tài liệu, các nội dung giảng dạy bằng tiếng Anh. Nghe nhạc hay xem phim bình thường không phải cách tôi ưu tiên vì khi mới bắt đầu học tiếng Anh, rất khó để nghe trong các ngữ cảnh với nhiều tiếng lóng, nói tắt.
Trong khi đó, các bộ phim tài liệu, các nội dung giảng dạy thường sử dụng tiếng Anh học thuật, ngữ điệu và tốc độ phù hợp cho người nghe. Tương tự với xem phim, lựa chọn các trang báo lớn nước ngoài với ngôn ngữ dễ hiểu như New York Times, Reuters... cũng giúp bạn học tiếng Anh dễ dàng hơn.
Ở Việt Nam bây giờ, những chương trình trao đổi văn hoá cũng phổ biến hơn. Các bạn trẻ có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo, giao lưu với sinh viên quốc tế. Các Đại sứ quán cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động giao lưu ngôn ngữ. Với tôi, đây là những cách để thực hành tiếng Anh một cách hiệu quả mà không khiến ai cảm thấy khó chịu.
Bùi Minh Đức