Hàu giàu vitamin, kẽm, các axit béo omega-3, cholesterol, tốt cho cả người lớn, trẻ em, đặc biệt là nam giới. Trong y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tráng dương, chữa mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt. Phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn... nên ăn hàu.
Tuy nhiên, hàu hay hải sản nói chung đều sống trong môi trường biển, dễ bị nhiễm khuẩn do ô nhiễm môi trường. Riêng hàu là động vật có vỏ, sống tận đáy biển nên chứa nhiều mầm bệnh hơn các loài khác.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, cho biết hàu sống thường bám vào gành đá, gầm cầu ở biển hay cửa sông nên nhiều nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, ấu trùng sán... Do đó, quan điểm ăn hàu sống hấp thu nhiều chất dinh dưỡng hơn hàu chín là không đúng.
Một thống kê 180 bệnh nhân nhiễm trùng do V. vulnificus, một loại vi khuẩn ăn thịt người, cho thấy có 92,8% bệnh nhân ăn hàu sống trong vòng hai ngày trước đó. Thời gian ủ bệnh là 3 tiếng đến 6 ngày. Chúng sống tự do trong nước biển hoặc nước lợ hoặc ký sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu... Vi khuẩn này có thể gây hoại tử cân cơ rất nhanh, nguy cơ tử vong lên đến 50%, thậm chí 90% nếu bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn. Ăn hàu sống nhiễm khuẩn còn dẫn đến các bệnh đường ruột như tiêu chảy hoặc sốt cao, nhiễm trùng...
Chế biến hàu không sạch cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Theo ông Thịnh, hàu sống phải ngâm với nước sạch hoặc nước muối khoảng ba tiếng để loại bỏ cặn bẩn, bùn sâu trong lớp vỏ. Tuỳ theo sở thích để hấp, xào, nấu cháo nhưng bắt buộc phải nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh, phòng ngộ độc. Nên ăn kết hợp với các loại hải sản khác như tôm, cua, cá hoặc thịt bò, rau xanh... để bữa ăn đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng.
Nhiều người có thói quen ăn hàu với mù tạt để giảm mùi tanh của hải sản. Tuy nhiên, mù tạt có thể gây kích thích niêm mạc đường mũi, họng nếu ăn quá nhiều đồng thời kích thích dạ dày đối với những người có hệ tiêu hóa kém, bị đau dạ dày, viêm ruột.
Cơ địa một số người bị dị ứng hải sản nên cẩn thận khi ăn để tránh bị kích ứng, nổi ban đỏ, mề đay, ngứa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy...Nặng có thể khó thở, tím tái, tụt huyết áp, sốc phản vệ nguy hiểm tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
Ngoài nguy cơ nhiễm khuẩn do ăn, người có vết thương hở cũng nên thận trọng khi tiếp xúc với nước biển, nước lợ, hải sản sống như hàu. Nhiều trường hợp bị thương khi tham gia các hoạt động trên biển, như bơi lội, câu cá, cầm nắm hải sản hoặc các vết đâm nhỏ bởi đuôi tôm, vỏ hàu,...cũng có thể nhiễm vi khuẩn.
Thùy An