Bạn bắt đầu thấy bạn không thể giảm cân? Có phải bạn cảm thấy tất cả cố gắng giảm cân của bạn lại phản tác dụng và cân nặng tăng lên? Tìm ra những sai lầm thường thấy có thể giúp bạn đạt được kết quả như mong muốn đấy. Sau đây là 10 điều nên ngừng lại nếu bạn muốn giảm cân hiệu quả, theo Weight Loss.
1. Ngừng chế độ ăn sai lầm
Bạn có thường xây dựng chế độ ăn từ lời mách bảo của bạn bè hay từ quảng cáo của một người nổi tiếng nào đó không? Một chế độ ăn nào đó có thể phù hợp với họ nhưng nhu cầu của họ, cách sống của họ, thức ăn thích hợp với họ lại có thể không hoàn toàn phù hợp với bạn.
Do đó, thay vì bắt chước theo người khác, hãy tự hỏi chính bản thân 5 câu hỏi quan trọng về chế độ ăn mà bạn đã chọn trong quá khứ, tình trạng sức khỏe và nguồn cung cấp thực phẩm:
1. Nguồn ngân sách của bạn là bao nhiêu?
2. Bạn có mắc phải những vấn đề về sức khỏe đáng quan tâm không?
3. Liệu thời gian biểu của bạn có cho phép bạn tự chuẩn bị các món ăn?
4. Bạn có sự hỗ trợ từ xã hội không?
5. Những kế hoạch giảm cân trong quá khứ của bạn là gì và vì sao chúng lại thất bại?
Câu trả lời sẽ giúp bạn xác định nhu cầu riêng của bạn, từ đó, có kế hoạch giảm cân tốt nhất.
2. Ngừng lập các mục tiêu không thực tế
Những người muốn giảm cân thường có động lực rất lớn và tràn đầy hào hứng trong thời gian đầu của chương trình giảm cân, và do đó, họ thường đặt ra các mục tiêu "không tưởng". Tuy nhiên, những hi vọng không thực tế này có thể phản tác dụng vì không có quy trình rõ ràng dẫn đến mất dần động lực.
Ngồi xuống và tự đặt ra cả hai kế hoạch ngắn và dài hạn. Bằng cách chia nhỏ các bước thực hiện, bạn sẽ dần dần đạt được thành quả vì các bước cụ thể có thể giúp bạn duy trì sự hứng khởi ban đầu trong suốt quá trình.
3. Ngừng đổ lỗi theo kiểu vì "tôi thiếu thời gian"
Một trong những rào cản phổ biến nhất để biến ước mơ giảm cân thành hiện thực đó là suy nghĩ hình thành niềm tin trong đầu bạn rằng bạn không có đủ thời gian. Một nghiên cứu cho thấy 41% phụ nữ cho rằng nguyên nhân khiến họ không ăn uống tốt hơn và 73% đổ lỗi cho việc không tập thể dục là do họ không có thời gian. Nếu muốn giảm cân, bạn phải tìm ra cách để dành thời gian cho các hoạt động nâng cao sức khỏe.
Đừng ngại khi đặt những ưu tiên khác về phía sau hoặc tìm sự trợ giúp để đưa sức khỏe trở thành mối ưu tiên hàng đầu.
4. Ngừng cô lập bản thân
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Biggest Loser, á quân Hanna Curlee cho hay điều quan trọng nhất mà cô ấy học được từ kinh nghiệm giảm cân của cô ấy chính là nhờ sự hỗ trợ từ người khác. "Tôi rất ngại phải nhờ vả sự giúp sức từ người khác. Tôi đã có thể nhờ người giúp đỡ nhưng tôi nghĩ tôi không có ai cả. Sau đó, tôi nhận ra tôi có bạn bè và gia đình, những người luôn sẵn lòng giúp tôi vượt qua chặng đường dài giảm cân này", cô chia sẻ. Người thân, bạn bè là nguồn động viên tinh thần, giúp bạn xác định những cách cụ thể để giảm cân.
5. Ngừng đánh giá thấp lượng thức ăn mà bạn hấp thụ
Bạn thật sự đếm được lượng calo trong cơ thể? Nhớ rằng ngay cả khi bạn nạp 25 calo một ngày cũng làm nên vấn đề đấy.
6. Ngừng nghĩ rằng thực phẩm lành mạnh làm cân nặng giảm
Nhiều nghiên cứu cho thấy con người có xu hướng ăn quá nhiều thức ăn mà người ta cho là tốt. Một nghiên cứu của trường đại học Michigan tiết lộ khi loại thực phẩm nào được "dán nhãn" là hữu cơ thì những người ăn kiêng thường ăn nhiều hơn. Dĩ nhiên, những thức ăn này có lợi cho sức khỏe nhưng nếu ăn quá nhiều thì chính nó lại là nguyên nhân làm tăng cân.
7. Ngừng ngồi một chỗ cả ngày
Các hoạt động sinh nhiệt phi thể dục NEAT là khái niệm để chỉ tất cả sự vận động không phải là hoạt động thể dục mà bạn thực hiện mỗi ngày. Nó có thể thiêu đốt 15-30% tổng lượng calo trong cơ thể. Nếu bạn dành cả ngày chỉ để ngồi trước bàn làm việc hay dành cả buổi tối trên ghế dài thì lượng calo bị đốt cháy từ NEAT là nhỏ nhất.
Thay vì thụ động, hãy tăng cường các hoạt động hằng ngày. Nếu bạn là nhân viên văn phòng suốt ngày gắn chặt với bàn làm việc thì bạn có thể đứng lên, đi lại sau mỗi giờ, đi vệ sinh ở các tầng khác nhau, chạy những việc lặt vặt hay đi cầu thang bằng đôi chân thay vì đi thang máy. Nếu bạn thích xem ti vi buổi tối thì bạn có thể vừa xem ti vi vừa gấp quần áo hay dọn dẹp nhà cửa thay vì chỉ nằm dài một chỗ trên sofa.
8. Ngừng đánh giá quá cao các hoạt động thể dục thể thao của bạn
Rất nhiều người muốn giảm cân đăng kí tham gia vào phòng tập thể hình. Nhưng thật sự thì bạn phải tham gia vào câu lạc bộ sức khỏe để thiêu cháy calo. Và thời gian luyện tập thể dục chỉ là thời gian bạn dành cho tập thể dục, không phải bao gồm cả thời gian để khóa cửa, đậu xe, tán gẫu với bạn bè.
Thay vì dùng những con số ước tính, hãy đầu tư vào thiết bị đo nhịp tim. Hiện nay, có nhiều mẫu trên thị trường, hãy chọn cái nào phù hợp với túi tiền của bạn. Thiết bị này không chỉ cho bạn biết mức độ làm việc của bạn mà còn có thể tính toán được chính xác bạn đã thực hiện bao nhiêu phút được cho là tập thể dục.
9. Ngừng "đền bù" việc tập thể dục bằng cách ăn nhiều hơn
Chứng thèm ăn tăng lên lúc bắt đầu tập luyện là điều bình thường. Sai lầm thường gặp phải khi muốn giảm cân là tự thưởng bản thân bằng bữa ăn nhẹ sau giờ làm việc.
Thay vì ăn nhiều sau giờ tập thể dục, hãy lập một kế hoạch ăn nhẹ khỏe mạnh, ít calo ngay sau khi tập. Một li sữa socola nhẹ là sự lựa chọn tốt đấy!
10. Ngừng trông đợi vào những kết quả lớn từ những thay đổi nhỏ
Thật dễ để tin vào những quảng cáo về những viên thuốc giảm cân, chế độ ăn theo ý thích riêng. Quá nhiều quảng cáo cam kết rằng giảm cân không có gì khó. Nhưng thực tế thì để có được kết quả tốt không hề dễ dàng. Đừng để những khó khăn này làm bạn nản chí.
Thay vì bực bội, chán nản, hãy tập trung hoàn thành những công đoạn nhỏ và tự hào với nó. Sau đó, chú ý vào những điều đã đạt được. Ví dụ, nếu bạn chưa giảm cân như ý muốn, cứ tự khích lệ rằng bạn đã thực hiện theo chế độ ăn cân bằng trong suốt cả ngày và nhắc nhở mình về lợi ích cho sức khỏe từ việc ăn uống điều độ. Kế hoạch tập thể dục của bạn có thể chưa đem lại hiệu quả như trông đợi nhưng nó giúp bạn ngủ ngon hơn và cảm thấy tốt hơn trong suốt cả ngày. Tìm kiếm và thừa nhận những kết quả nhỏ trong suốt quá trình!
Thu Lê