Cách biệt bốn điểm so với nhì bảng Viettel, bảy điểm với đương kim vô địch Hà Nội FC, thật ra chưa nói lên được điều gì về cơ hội của Sài Gòn FC. Đà Nẵng từng hơn Đồng Tâm Long An đến chín điểm ở giai đoạn một mùa 2006, nhưng vẫn bị bắt kịp và bỏ lại với khoảng cách bảy điểm cuối mùa đó. Hơn nữa, khi sang giai đoạn hai, với các "trận cầu sáu điểm" (đối đầu trực tiếp giữa hai đối thủ cùng cạnh tranh vị trí), thì hơn thua từ một đến hai trận thắng không có gì to tát. Nhưng sự sáng giá của Sài Gòn FC không nằm ở điểm số, mà là lối chơi của họ. Đó là thứ bóng đá của sự nhẫn nại, biết mình biết ta. Một kiểu bóng đá "nếu không thắng thì đừng để thua". Lối chơi này luôn chiếm ưu thế đặc biệt trong các cuộc đua ngắn hoặc mang tính đối đầu trực tiếp - sẽ diễn ra ở giai đoạn hai.
Trong 16 bàn mà Sài Gòn FC ghi được, có nhiều sự trùng khớp về thời điểm. Họ ghi ba bàn trong khoảng bốn phút đầu trận, và bốn bàn khác được ghi ở thời gian tương tự đầu hiệp hai. Ba bàn khác được ghi từ phút 32 đến phút 37, và ba bàn được ghi từ phút 88 trở đi. Các khoảng thời gian ở giữa những hiệp đấu (phút 10 đến phút 30 và 50-75) chỉ ghi nhận đúng một bàn, và bàn đó cũng không quan trọng.
Những khoảng thời gian ghi bàn giống nhau nói trên cho thấy Sài Gòn FC chủ động hoàn toàn về mặt lối chơi. Cũng theo thống kê, những bàn thắng ở các phút đầu mỗi hiệp đấu đều có giá trị cao, đem về khoảng 15 trong tổng số 22 điểm. Họ như một võ sĩ boxing giàu kinh nghiệm, biết cách tung ra các cú đấm có độ sát thương cao ở từng thời điểm thích hợp. Một khi họ ra tay, đối phương phải dính đòn. Nếu không thành công ở cú ra đòn đầu tiên, họ sẽ lùi lại phòng thủ và chờ đến giai đoạn kế tiếp thay vì tăng áp lực để dồn ép đối phương.
Hai trận đấu gần nhất của Sài Gòn FC trước những đội bóng yếu hơn là Thanh Hóa và Nam Định là ví dụ. Tỷ số đều là 3-0, thời điểm ghi bàn gần trùng khớp đến mức kỳ lạ (phút 1 và 4, 34 và 36, 46 và 49). Các thông số khác như tỷ lệ cầm bóng, sút đúng hướng cầu môn, đá phạt cũng gần giống nhau. Về chiến thuật, cầu thủ Sài Gòn tuân thủ đấu pháp như một cỗ máy. Sau khi ghi ba bàn, họ hầu như không tấn công, chỉ thong thả giữ nhịp trận đấu có lợi. Kết quả của lối chơi ấy là Sài Gòn FC mới nhận 13 thẻ vàng qua 10 trận, và có đến ba trận họ không bị phạt thẻ nào. Chiếc thẻ đỏ duy nhất của họ, đến ở phút 90 trong trận derby với TP HCM, còn trận đấu nhiều thẻ nhất của họ - bốn thẻ vàng - là chiến thắng 1-0 trên sân Hà Nội FC.
Có cảm giác như Sài Gòn FC đang chơi V-League theo một phương trình được lập sẵn. Dữ liệu từng đối thủ được ném vào một chiếc máy để phân tích rồi cho ra kết quả để cầu thủ nắm bắt thực hiện. Thực tế, Sài Gòn FC có áp dụng một số mô hình phân tích trực quan mà cầu thủ được tham gia để cùng nhận biết đối thủ sắp đến. Trên sân Pleiku, thầy trò Vũ Tiến Thành chỉ cho chủ nhà HAGL tung ra đúng hai cú sút. Đến trận đá với Hà Nội FC, đối thủ cũng chỉ có sáu cú sút và chỉ một lần đưa bóng đi đúng hướng. Mục tiêu của Sài Gòn FC là phá lối chơi của đối thủ trước khi trừng phạt bằng những bài phản công kiểu mẫu, mà ông Vũ Tiến Thành học được từ... 18 năm trước.
Có hai cái tên chắc chắn ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của ông Vũ Tiến Thành. Đầu tiên là Henrique Calisto, một người bạn thân và có lẽ cũng là tâm giao của ông Thành trong vấn đề huấn luyện bóng đá. Tiger Cup 2002, là trợ lý HLV, nhưng hằng đêm, ông Thành và thầy Tô đều ngồi uống bia với nhau, nói đủ chuyện trên đời. Khi đó, ông Thành chưa dẫn dắt CLB nào nên kiến thức và quan điểm bóng đá của HLV Calisto ít nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này.
Cái tên kế tiếp cũng đang phảng phất trong cách cầm quân của ông Thành hiện nay là Công An TP HCM - đội bóng gắn liền với một phần cuộc đời của HLV này. Nhiều cầu thủ của Công An TP HCM vốn là học trò của ông Thành khi ông còn dạy ở trường Năng khiếu Nghiệp vụ TP HCM. Sau khi Công An TP HCM được chuyển giao cho Ngân Hàng Đông Á, ông Thành chính là Giám đốc Điều hành và vướng tù tội vào năm 2005. Những trợ lý dưới tay ông Thành ở Sài Gòn FC hiện nay, như Phùng Thanh Phương, Nguyễn Ngọc Thọ, chính là các ngôi sao một thời của Công An TP HCM ngày nào.
Phong cách chơi bóng, triết lý dùng người hiện nay của Sài Gòn FC chính là sự tổng hòa của Calisto và Công An TP HCM. "Chất" bóng đá Sài Gòn mà HLV Vũ Tiến Thành hay đề cập, nói ông muốn xây dựng, không phải kiểu ban bật nhỏ của Cảng Sài Gòn, mà là sự cơ động, hiện đại, đơn giản của Công An TP HCM. Ông Thành gần như bê nguyên bài phòng ngự - phản công nhanh dọc biên của Đồng Tâm Long An thời Calisto, trong đó đề cao vai trò của hai tiền đạo ngoại đá dạt biên ở tuyến trên cùng khả năng chuyển trạng thái của các tiền vệ trung tâm.
Nếu "Gạch" trước đây có Phan Văn Tài Em thì Sài Gòn FC hiện có Cao Văn Triền ở khu giữa sân, làm bản lề cho chiến thuật thi đấu. Sài Gòn FC còn có Huỳnh Tấn Tài, một cầu thủ cũng từng khoác áo Long An đá giải hạng Nhất. Dưới sự dìu dắt của ông Thành, Tấn Tài đang tái hiện phần nào hình bóng hào hoa của một Nguyễn Minh Phương. Cái thiếu duy nhất của Sài Gòn FC hiện nay, so với "Gạch" của Caslisto hay Công An TP HCM thời hoàng kim, là một tiền đạo mũi nhọn nội binh, như kiểu Nguyễn Việt Thắng hay Lê Huỳnh Đức. Tân binh Võ Nguyên Hoàng, dù chỉ 19 tuổi, có thể là ý tưởng hướng đến chi tiết này.
Khi Vũ Tiến Thành bắt đầu sự nghiệp cầm sa bàn huấn luyện trực tiếp, đó cũng là lúc Jose Mourinho thăng hoa ở châu Âu với các danh hiệu cùng Porto, Chelsea. Cùng lúc, tại Việt Nam, Calisto giúp "Gạch" vô địch V-League hai mùa liền bằng chiến thuật phòng ngự - phản công.
Bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tư tưởng bóng đá này, nhưng gần 20 năm qua, ông Thành không thể áp dụng những thứ đã lĩnh hội ngày đó một cách bài bản, cho đến khi tự trao cho bản thân quyền chỉ đạo trên sân ở Sài Gòn FC. Đó có thể là một khúc cua với cuộc đời HLV này, cũng có thể là của lịch sử bóng đá Sài Gòn, của V-League, nếu mùa này Sài Gòn FC vô địch.
Song Việt