Cho đến sau vòng 8, tức là còn năm vòng đấu nữa là kết thúc giai đoạn một, chỉ mới tạm xác định được hai nhóm gần như sẽ vào giai đoạn hai ở hai chiều khác nhau.
Theo thống kê ở bốn mùa gần nhất đủ 14 đội, trung bình đội đứng thứ tám sau lượt đi sẽ có từ 17-18 điểm, hoặc tối thiểu năm trận thắng. Căn cứ vào đó, nhóm các đội đang có từ bảy điểm trở xuống và chỉ có một hoặc hai trận thắng là Hà Tĩnh, Quảng Nam và Nam Định hầu như không còn cơ hội vào top 8. Vì để làm điều đó, họ buộc phải tìm ít nhất 10 điểm nữa, tức là ba trận thắng và một trận hòa trong năm vòng còn lại. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Ở chiều ngược lại, top 4 với các đội đạt từ 13 điểm và bốn trận thắng trở lên là Sài Gòn, TP HCM, Bình Dương và Quảng Ninh khá yên tâm với vị trí ở nhóm đua chức vô địch. Nhiệm vụ của họ đơn giản: giành thêm hai trận thắng nữa. Theo phép tính này, hiện còn đến bảy đội đang ở lưng chừng, phải giành giật nhau từng điểm số khiến cho năm vòng còn lại sẽ vô cùng căng thẳng.
Trường hợp của nhà vô địch Hà Nội có thể nói là điển hình cho trạng thái giữa núi cao và vực thẳm. Nếu ở các mùa trước, 11 điểm và vị trí thứ tám hiện nay không có gì quá tệ bởi họ đủ sức tăng tốc ở lượt về. Nhưng với thể thức hiện nay, Hà Nội không có tâm trí để nghĩ đến giai đoạn hai. Việc tìm ít nhất bảy điểm trong năm vòng cuối để lọt vào top 8 không hề đơn giản với đội quân đang thiếu trước, hụt sau của HLV Chu Đình Nghiêm. Tỷ lệ điểm trung bình mỗi trận của Hà Nội hiện tại là gần 1,4 điểm, và nếu không có gì thay đổi, nhiều lắm năm trận nữa họ chỉ giành được bảy điểm, đối diện với khả năng sẽ rơi khỏi top 8 - đồng nghĩa với việc trở thành cựu vô địch khi giải chỉ mới qua hơn phân nửa đoạn đường. Đây là điều chưa từng xảy ra với Hà Nội từ năm 2010.
Nhưng nếu xem cái cách Hà Nội vừa chật vật, vừa bế tắc trước Viettel ở trận đấu tại Hàng Đẫy hôm 5/7 thì mới thấy họ đã ở rất xa đỉnh cao của mình. Về tỷ lệ cầm bóng, họ chẳng nhỉnh hơn quá nhiều với 58% so với 42% của Viettel. Toàn trận, chỉ đúng một lần Hà Nội sút bóng đi đúng hướng. Bàn gỡ hòa 1-1 của họ chỉ đến từ chấm phạt đền, do sai sót của đối phương hơn là kết quả của lối chơi. Những con số này không khác mấy so với trận thua Sài Gòn FC cũng tại Hàng Đẫy vài ngày trước đó. Sức mạnh của Hà Nội nằm ở khả năng tấn công, áp đặt lối chơi nhưng chỉ cần nhìn con số 12 bàn sau tám trận cũng thấy uy lực của nhà vô địch sụt giảm thê thảm đến mức nào. Về chuyên môn, các chỉ số nói trên sẽ rất khó tiến bộ với mật độ thi đấu năm ngày một trận cùng tình hình nhân lực cạn kiệt trong tay ông Chu Đình Nghiêm hiện nay. Rủi ro từ thể thức mới đang thực sự đe dọa nhà vô địch. Trong năm vòng còn lại, có hai trận họ phải gặp Đà Nẵng và Quảng Nam đều trên sân khách, đây là những đội bóng được xem là nằm trong nhóm "5 đánh 1". Hà Nội thắng, hai đội kia sẽ lâm nguy, và ngược lại. Trận sân khách còn lại, Hà Nội đến sân Thống Nhất của TP HCM trong khi hai trận sân nhà lại gặp những đối thủ vô cùng khó chịu là Hải Phòng và Thanh Hóa.
Hà Nội là ví dụ về sự trêu đùa của hoàn cảnh, khi những khó khăn lực lượng có thể khiến lịch sử đội bóng bị thay đổi. Ngược lại, TP HCM là đội bóng mà ngay cả khi có mọi thứ ủng hộ lại không biết giữ lấy vận may của mình. Tính đến lúc này, chẳng biết có nên xếp họ vào danh sách ứng cử viên vô địch nữa hay không vì thành tích sân nhà quá tệ. Cùng kỳ mùa trước, TP HCM đã đạt 19 điểm - so với 14 điểm hiện tại. Số điểm mà TP HCM kém so với mùa trước chủ yếu xuất phát từ sân nhà, dù về lý thuyết mùa này họ phải mạnh hơn khi nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ CĐV, có một loạt tăng cường lực lượng, đặc biệt là sự xuất hiện của Công Phượng - người giữ được phong độ nhưng vẫn không giúp nổi đội nhà.
Sự kém cỏi của TP HCM càng dễ nhận thấy hơn nếu đặt cạnh HAGL - đội đang có thành tích sân nhà tốt nhất giải. Bốn trận sân nhà, HAGL giành đến ba chiến thắng cùng tỷ số 1-0, và trận hòa 1-1 trước đội đầu bảng Sài Gòn. Các con số này cho thấy họ không hẳn là một đội mạnh, nhưng có vẻ như đã ý thức được điều đó nên biết cách chắt chiu nhiều hơn lợi thế sân nhà để kiếm được đến 83% tổng điểm đang có. Chiến thắng nhọc nhằn trước tân binh Hà Tĩnh là ví dụ rõ nét. Thời gian kiểm soát bóng, số cơ hội của HAGL không hơn đội khách, thậm chí số cú sút cầu môn còn kém xa với chỉ bốn lần so với 10 lần của Hà Tĩnh. Nếu không có một Tuấn Anh cần mẫn, thông minh trong các tình huống pressing, thu hồi bóng ở giữa sân thì có lẽ hàng thủ HAGL đã không thể đứng vững suốt cả trận. Nếu chỉ nhìn riêng trận đấu này, HAGL chỉ là một đội bóng hạng trung bình, không vượt trội đối phương cả về con người lẫn tư duy chiến thuật. Nhưng quan trọng là họ vẫn giành được ba điểm trọn vẹn và vẫn còn trong tay hai trận sân nhà để có thể nghĩ đến một vị trí trong top 8 cuối giai đoạn một. Đấy chính là cái đặc biệt của thể thức thi đấu hiện nay: Không cần quá hay vẫn có thể... tranh vô địch.
Đây là một mùa giải khác thường, thể thức thi đấu của nó có thể làm đảo lộn mọi thứ. Ví dụ như không ai nghĩ rằng Sài Gòn FC, đá ba trận sân nhà thì hòa cả ba, lại đang chễm chệ trên ngôi đầu với 16 điểm. Trong một mùa giải kỳ lạ, có một đội bóng kỳ lạ với Chủ tịch kiêm HLV trưởng, cũng đã cho ra một kết quả... khác lạ, khi Sài Gòn FC giành đến 13 trong tổng số 15 điểm tối đa khi đá sân khách. Ngay Hà Nội FC vô đối ở mùa 2018 cũng chỉ làm tốt đến thế mà thôi. Lợi thế này cho phép Sài Gòn FC tính toán ở năm trận đấu cuối. Hoàn toàn có thể xảy ra chuyện họ sẽ tiếp tục đá theo kiểu không thua cho đến cuối giai đoạn, giữ vững lực lượng, tích lũy thể lực để nâng cao tham vọng ở giai đoạn hai.
Công bằng mà nói, với những gì Hà Nội, TP HCM đang thể hiện, Sài Gòn FC vẫn là cái tên sáng nhất dù chưa hẳn đó là điều tốt cho V-League mùa này.
Song Việt