"Cha mẹ hổ" là cụm từ chỉ những phụ huynh áp dụng kỷ luật thép trong cách nuôi dạy con. Phương pháp này được đề cập trong cuốn Khúc chiến ca của mẹ hổ (tác giả Amy Chua) gây rúng động nước Mỹ trước đây.
Là một nhà văn, nhà báo viết về các vấn đề xã hội và nuôi dạy con, Tanith Carey có nhiều kiến thức, hiểu biết trong cách rèn giũa trẻ. Tanith nhận ra trẻ phải chịu nhiều áp lực khi cha mẹ hà khắc.
Cuốn Thuần hóa cha mẹ hổ được viết từ sự thay đổi nhận thức của tác giả. Ngay từ chương đầu, nhà văn cho thấy kiểu nuôi con "cha mẹ hổ" đã phổ biến trên toàn thế giới. Sự cạnh tranh trong thời toàn cầu hóa, trong đó có giáo dục khiến các bậc cha mẹ tham gia vào cuộc "mài móng vuốt cho sắc" để rèn dạy con. Tác giả chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến cha mẹ hà khắc là do sự kỳ vọng quá lớn. Họ muốn con mình trở thành thần đồng, "chiến binh" ngay từ trong nôi.
Tanith Carey cũng vạch ra những mối nguy hại đến báo động của phương pháp dạy con cạnh tranh. Bà cho rằng cách giáo dục này ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ, tác động đến quan hệ gắn bó, gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Tác giả dẫn chứng về hậu quả như trẻ bị stress nặng, mắc các bệnh tâm lý, tự ngược đãi bản thân, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử gia tăng...
Bằng kiến thức và kinh nghiệm, Tanith Carey gợi ý các bậc phụ huynh một cái nhìn mới về phương pháp giáo dục con. Bà khuyến nghị họ dành thời gian và suy nghĩ nhiều hơn về tầm quan trọng của việc vui chơi, hòa nhập với cộng đồng của trẻ em. Thay vì bắt buộc con làm bài tập, hãy tạo cho trẻ hứng thú học hành, thay vì thường xuyên quát mắng, xử phạt, hãy dành nhiều lời khen ngợi hợp lý... Tanithe Carey tin phương pháp ấy không chỉ tạo điều kiện cho con phát triển, mà còn kết nối, thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Không công kích vào phương pháp của "mẹ hổ", nhưng cuốn sách cảnh báo các bậc cha mẹ về điểm dừng, giới hạn của bản thân trong việc giáo dục con. Tham vọng và sự theo đuổi thành tích của phụ huynh vô tình trở thành bức tường cản trở sự phát triển tự nhiên của trẻ, thành hàng rào ngăn cách tình cảm gia đình.
Thuần hóa cha mẹ hổ nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả trên thế giới, đã dịch ra 12 thứ tiếng. Sau khi xuất bản, sách trở thành đề tài tranh luận về phương pháp nuôi dạy con ở Anh. Quan điểm ấy được giới thiệu trên các tờ báo nổi tiếng thế giới.
Tác giả Tanith Carey là nhà báo đã đạt giải thưởng quốc tế với các bài viết về vấn đề nuôi dạy trẻ. Tác phẩm của bà được đăng trên các tờ The Guardian, Independent, Daily Mail... Bà còn là tác giả của nhiều cuốn sách, chủ yếu là về đề tài giáo dục trẻ em.
Lam Thu