Sách dành cho trẻ em ngày càng nhiều, phong phú ở Việt Nam. Tuy nhiên, sách của tác giả Việt lại ít ỏi trong một "rừng" sách dịch. Từ thực tế đó, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức tọa đàm "Em đã đọc sách gì hôm qua?" tối 13/5 tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, để những người làm sách thiếu nhi chia sẻ.
Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh là tác giả bộ sách kể chuyện cho bé bằng thơ với các tập như Mẹ Hổ dịu dàng, Vui cùng tiếng Việt, Nhim nhỉm nhìm nhim... Chị cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ "Đọc sách cùng con", đồng hành cùng các phụ huynh và trẻ nhỏ trong 5 năm qua. Thụy Anh cho biết, chị sáng tác xuất phát từ việc viết cho chính con trai mình. "Tôi sinh con ở Nga. Khi chưa có dự định về nước, tôi lo không biết sau này con có học tiếng Việt, yêu tiếng Việt nữa không. Những năm 2000 rất khó để mua một cuốn sách tiếng Việt ở Nga, mạng Internet lại chưa phát triển. Vì thế, tôi đành tự viết thơ, truyện cho con. Sau này những bài thơ đó được Nhà xuất bản Trẻ in thành sách, với phần tranh của họa sĩ Kim Duẩn", chị kể.
Tiến sĩ văn học Lưu Khánh Thơ tán dương việc sáng tác cho thiếu nhi từ tâm thế làm mẹ của Thụy Anh. Là em dâu nhà thơ Xuân Quỳnh, Khánh Thơ kể, trước đây nữ sĩ có lần bộc bạch: "Ưu thế của tôi là viết thơ, viết truyện cho thiếu nhi trong tâm thế làm mẹ".
Họa sĩ Kim Duẩn đồng quan điểm "sáng tác cho thiếu nhi phải hiểu tâm lý trẻ". Là họa sĩ gắn bó với tờ báo dành cho tuổi hoa, Kim Duẩn vẽ tranh cho các đầu sách, vẽ nhiều bìa cho cả thiếu nhi và người lớn. Quan điểm sáng tác của anh: "Tôi nghĩ trẻ em luôn thích sách tranh hơn cả. Đây là thể loại người lớn vẽ, trẻ con đọc, vì thế khi vẽ, người lớn cần hiểu tâm lý trẻ em".
Sau nhiều năm làm công việc vẽ cho thiếu nhi, Kim Duẩn rút ra kinh nghiệm, vẽ càng cầu kỳ trong chi tiết sẽ dễ tiếp cận trẻ em. "Chúng ta nên có thủ thuật riêng, ví dụ, vẽ chi tiết này bé trai sẽ thích, chi tiết khác bé gái sẽ thích. Vẽ cho lứa tuổi học sinh cấp II, cấp III dễ thở hơn, vì cách nghĩ của các bạn đã gần giống người lớn. Tôi cố gắng đưa những chi tiết gần gũi với cuộc sống, để các em đọc sách có thể liên tưởng, tạo ra sự tương tác", anh nói.
Với mỗi thể loại, Kim Duẩn lại có tiêu chí vẽ khác nhau, như: sách kỹ năng và sách khoa học cần đặt độ chính xác lên hàng đầu; với dòng sách kể chuyện, như truyện cổ tích, phải đặt tiêu chí hấp dẫn lên trước tiên.
Không chỉ chia sẻ chuyện sáng tác, các diễn giả cùng bàn cách đọc sách của trẻ em. Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ cho rằng mỗi cuốn sách đọc thuở đầu đời sẽ có ấn tượng, hằn sâu trong mỗi con người. Vì thế chọn sách cho thiếu nhi là việc làm hết sức quan trọng.
Là người sáng lập, tổ chức các chương trình và đồng hành cùng các em, Tiến sĩ Thụy Anh nói: "Tôi quan sát các bạn đọc sách từ nhỏ. Các bạn đọc rất có định hướng, thích chi tiết gì sẽ đọc sách thể loại ấy. Vì thế cha mẹ cần hiểu rõ tâm ý của con mà chọn sách. Khi đọc cũng cần chia sẻ, phản biện với nhau. Không nên bó hẹp cách tiếp nhận cuốn sách của trẻ bằng cách thức cổ điển như buộc trẻ phải rút ra bài học sau khi đọc sách".
Lam Thu