Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đến định cư tại Thượng Hải, bà sinh được 3 người con: 2 trai, 1 gái. Sau khi quan hệ Trung Quốc - Israel được xác lập, trước tiếng gọi trở về cố quốc, Sara Imas đã mang theo 3 đứa con quay lại Israel – nơi người dân vẫn phải chịu khói lửa chiến tranh. Tại đây bà bắt đầu một trải nghiệm giáo dục "xuyên quốc gia" đặc biệt.
Như tất cả bà mẹ khác trên đời, Sara Imas mong muốn con mình học hành giỏi giang, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tìm được một công việc như ý, sống cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp. Ở Trung Quốc, bà bao bọc, chăm sóc, làm hết việc cho con theo đúng mẫu mực của người Trung Hoa. Tuy nhiên, khi mang phương pháp giáo dục trở thành nô lệ của con cái ấy về Israel, Sara đã mắt thấy tai nghe một phương pháp dạy con hoàn toàn khác của những người Do Thái.
Bà đã thay đổi hoàn toàn, từ một "bà mẹ Trung Quốc" trở thành "bà mẹ Do Thái". Cách giáo dục Do Thái khiến không ít người cho là khá "tàn nhẫn", nhưng những gì bà đã làm giúp con cái thành đạt hơn, giàu tình thương và luôn là những công dân gương mẫu. Hiện hai con cả của Sara trở thành triệu phú kinh doanh kim cương, còn cô út đang là sinh viên với mơ ước trở thành một nhà ngoại giao trong tương lai.
Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương là cuốn sách dạy con kiểu Do Thái do Sara Imas chấp bút. Trong cuốn sách này, bà không chỉ kể lại quá trình nuôi dạy nghiêm khắc của mình mà còn tập hợp thành hệ thống về các phương pháp, kỹ năng giáo dục con. Ở cuối từng phần, từng chương, cuốn sách luôn rút ra những bài học kinh nghiệm, công thức cụ thể để người đọc soi chiếu. Qua cuốn sách, độc giả cảm nhận được tình yêu thương của một người mẹ dành cho con được đặt trong những hành động, mục tiêu, biểu hiện, kỷ luật hàng ngày. Không phải chỉ có những bà mẹ Trung Quốc cung phụng con cái mới là yêu con, Sara Imas quan niệm: "Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con". Bài học lớn nhất mà cuốn sách này chỉ ra là tình yêu thương cần được đặt đúng chỗ.
Trong lời giới thiệu mở đầu cuốn sách, bà Chu Thị Thanh Hà, Phó tổng giám đốc tập đoàn FPT chia sẻ: "Tôi vô cùng yêu thích cuốn sách này... Cuốn sách như một tấm gương để những bà mẹ như tôi nhìn vào, những lối mòn trong tư duy, những nhược điểm cố hữu trong cách nuôi dạy con cái mà hàng ngày vẫn đang vấp phải, luôn thôi thúc tôi khát khao học hỏi để tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp nhất cho từng đứa con của mình...".
Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh nhận định, cái hay của cuốn sách không nằm ở chỗ đưa cho ra những phương pháp để ta tung hô. Chính những phương pháp đúc rút từ kinh nghiệm thực tế, kể cả những sai lầm... mới là ưu điểm. Là chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con, tiến sĩ Thụy Anh cũng khuyên các bậc phụ huynh khi đọc đừng coi những gì sách đưa ra là tuyệt đối, mà cần chọn lọc điều gì phù hợp mới áp dụng.
Do Thái là một cộng đồng huyền bí, từng xuất hiện nhiều triết gia vĩ đại và doanh nhân thành công ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù dân số không đông nhưng những người Do Thái có nguồn sức mạnh tiềm ẩn khổng lồ. Tìm hiểu phương pháp dạy con của một bà mẹ người Israel cũng là tìm hiểu những bước đi nền tảng đầu tiên và kỳ diệu làm nên thành công của người Do Thái.
Hiền Đỗ