Triều Tiên từng hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi oanh tạc cơ Mỹ trong cuộc chiến tranh 1950-1953, khiến 20% dân số thiệt mạng và 80% đô thị bị phá hủy hoàn toàn. Đây là lý do khiến Bình Nhưỡng sở hữu một trong những mạng lưới phòng không dày đặc nhất thế giới, với chủ lực là các hệ thống phòng không S-200 Vega do Liên Xô sản xuất, theo FAS.
Tổ hợp phòng không tầm xa S-200 Angara/Vega (NATO định danh: SA-5 Gammon) được Liên Xô phát triển vào thập niên 1960 để bảo vệ các khu vực hành chính, công nghiệp và quân sự tối quan trọng khỏi các cuộc tập kích đường không. Đây là tổ hợp tên lửa phòng không có kích thước và tầm bắn lớn nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
S-200 là mẫu tên lửa phòng không cuối cùng kết hợp động cơ chính nhiên liệu lỏng và tầng đẩy sơ tốc nhiên liệu rắn, cũng là tổ hợp cuối cùng của Lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) được đặt trên các bệ phóng cố định. Phiên bản S-200A Angara (SA-5a) có tầm bắn 180 km được biên chế cho PVO vào năm 1966, trong khi mẫu S-200 Vega (SA-5b) ra đời trong thập niên 1970 được nâng tầm bắn lên tới 300 km.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Bình Nhưỡng đang sở hữu ít nhất 4 tiểu đoàn S-200 Vega cùng 75 quả đạn dự trữ do Liên Xô viện trợ trong giai đoạn 1987-1988. Đây là lá chắn phòng không tầm xa duy nhất, được mệnh danh là "lá chắn thép" bảo vệ không phận Triều Tiên trong suốt ba thập kỷ qua.
Mỗi tiểu đoàn S-200 được trang bị 6 bệ phóng đơn và một đài radar điều khiển hỏa lực. Dù ra đời trong thập niên 1960-1970, tổ hợp S-200 vẫn có khả năng nâng cấp sâu, cho phép kết nối và chia sẻ dữ liệu với những hệ thống phòng không hiện đại như S-300.
Mỗi quả đạn 5V28 của S-200 dài 10,8 m, nặng 7,1 tấn và mang đầu đạn nổ mảnh nặng 217 kg hoặc vũ khí hạt nhân có sức công phá tương đương 25.000 tấn thuốc nổ TNT. Tên lửa dùng ngòi nổ chạm hoặc cận đích cho đầu đạn thông thường, trong khi đầu đạn hạt nhân chỉ được kích hoạt bằng lệnh thủ công.
Tên lửa S-200 áp dụng cơ cấu dẫn đường bằng radar bán chủ động (SARH) kết hợp với cập nhật pha giữa bằng tín hiệu vô tuyến. Sử dụng phương thức SARH trên toàn hành trình giúp tăng độ chính xác của S-200 ở khoảng cách lớn, cải thiện đáng kể hiệu quả so với dùng tín hiệu điều khiển vô tuyến thủ công trên mẫu S-75 Dvina trước đó.
Quả đạn có tốc độ tối đa 9.000 km/h, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 300 km và độ cao 40 km. Chúng được trang bị 4 động cơ đẩy sơ tốc PRD-81/5S28 hoạt động bằng nhiên liệu rắn. Tầng đẩy PRD-81/5S28 chỉ hoạt động trong tối đa 5 giây, giúp đạn 5V28 đạt tốc độ đủ lớn trước khi kích hoạt động cơ chính. Sau đó, 4 động cơ đẩy sơ tốc sẽ được tách khỏi thân đạn để giảm khối lượng và lực cản.
Các chuyên gia quân sự cho biết phần mũi vểnh đặc trưng của tầng đẩy PRD-81/5S28 giúp các tên lửa đẩy tách xa khỏi quả đạn, tránh nguy cơ va chạm dẫn tới phá hủy đạn 5V28. Đặc điểm mũi vểnh này khiến nhiều người lầm tưởng hệ thống S-200 trong cuộc duyệt binh hôm 15/4 của Triều Tiên chỉ là "hàng mã" được làm bằng gỗ và giấy bìa.
Động cơ đẩy sơ tốc của tên lửa S-200 tách ra sau khi khai hỏa.
Điểm yếu của hệ thống S-200 chính là sử dụng bệ phóng cố định và radar cồng kềnh, không có khả năng cơ động trong điều kiện chiến tranh. Tuy một số nước như Iran từng hiện đại hóa S-200 để giảm thời gian triển khai và thu hồi, khả năng cơ động kém vẫn là điểm yếu chết người của tổ hợp này.
Trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn, các trận địa S-200 dễ bị vô hiệu hóa bằng vũ khí như tên lửa hành trình trước khi kịp đe dọa máy bay đối phương. Điều này khiến lá chắn S-200 chỉ có tác dụng chính là răn đe trong thời bình, buộc Triều Tiên phải phát triển những hệ thống phòng không tầm xa di động hiện đại như KN-06, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.
Tử Quỳnh