Ngày 6/10, trong công văn gửi UBND TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (Trưởng bộ phận đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP HCM) cho biết, từ tháng 7 đến nay, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã huy động gần 20.000 nhân lực từ miền Bắc, Trung vào chi viện.
Hiện, tình hình dịch tại TP HCM cơ bản đã được kiểm soát, thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị 18 để thích ứng an toàn, từng bước phục hồi kinh tế. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương, Bộ Y tế đề nghị thành phố sắp xếp để rút các đoàn chi viện.
Trả lời VnExpress hôm 1/10, Thứ trưởng Sơn cho biết kế hoạch rút lực lượng chi viện sẽ căn cứ vào tình hình dịch, và phù hợp với tiến độ tái cơ cấu hệ thống bệnh viện dã chiến cũng như hồi sức của TP HCM. "Kế hoạch rút lực lượng chi viện được xây dựng một cách tuần tự, từ từ, không rút một cách đột ngột gây ảnh hưởng công tác phòng chống dịch", thứ trưởng Sơn nói.
Sau hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau, hiện TP HCM giảm mầm bệnh trong cộng đồng. Số ca Covid-19 đang điều trị tại nhà, khu cách ly và các bệnh viện của thành phố đang giảm dần. Hiện, hơn 26.000 F0 điều trị tại nhà (khi cao điểm hồi đầu tháng 9 khoảng 65.000). Hơn 15.000 người đang theo dõi tại các cơ sở cách ly tập trung (trước đây luôn trên 20.000). Hơn 29.000 người đang điều trị tại các bệnh viện (trước đây khoảng hơn 40.000). Số ca tử vong trong ngày giảm dần và được ghi nhận đã xuống thấp dưới 100.
TP HCM nới lỏng giãn cách từ sau ngày 30/9. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, dịch vụ y tế, kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế được phép hoạt động trở lại.
Sở Y tế xây dựng lộ trình thu hẹp, giải thể, chuyển đổi công năng, hoặc biến đổi hơn 80 bệnh viện tại tầng 1 và 2 của tháp điều trị Covid-19 ba tầng, giữ lại 10 trung tâm hồi sức ở tầng 3 để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân nặng.