Nghiên cứu tại Anh cho thấy thói quen uống rượu bia ở tuổi trung niên đã trở thành vấn đề nan giải đối với giới y khoa. Theo các nhà khoa học Viện Censuswide, cứ 10 phụ huynh thì có ba người uống rượu nhiều hơn khi đã ngoài 40 tuổi vì con cái bắt đầu hoàn thành bậc đại học.
"Rượu bia ảnh hưởng đến mọi cơ quan, bởi nó là một phần tử nhỏ đi khắp nơi trong cơ thể. Từ ruột đến tim, mạch máu đến da, nó lan tỏa khắp nơi", giáo sư Paul Wallace, Đại học London, cố vấn y tế cho tổ chức từ thiện Drinkaware, cho biết.
Lạm dụng rượu bia ở độ tuổi sau 40 thậm chí nguy hiểm hơn nhiều. Tiến sĩ Tony Rao, chuyên gia tư vấn thần kinh lão khoa, giải thích: "Các cơ quan chuyển hóa rượu như gan và dạ dày co lại khi bạn già đi. Vì vậy, rượu sẽ lưu lại trong cơ thể bạn lâu hơn".
Đây là nguyên nhân người trên 40 tuổi thường gặp tình trạng nôn nao, khó chịu kéo dài hai ngày sau khi uống rượu.
"Bên cạnh đó, tổng lượng chất lỏng trong cơ thể ít hơn ở tuổi trung niên, tức là chúng ta bị mất nước nhiều hơn khi già đi. Vì vậy, rượu trong máu sẽ cô đặc, không bị phân hủy nhanh như những người 20 tuổi", tiến sĩ Rao nói.
Theo giáo sư Wallace, rượu đi qua hàng rào máu não, hoạt động như một chất gây trầm cảm. Người sử dụng rượu thường cảm thấy hưng phấn, kích thích vì nó có tác dụng kiểm soát hành vi như phán đoán, tự giám sát, suy luận và lập kế hoạch.
"Theo thời gian, nó khiến bạn gặp nhiều vấn đề về tâm lý hơn, như lo lắng, trầm cảm", ông Wallace giải thích.
Tại phòng khám thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), bác sĩ Rao chứng kiến nhiều người ở độ tuổi 60 bị tổn thương não sau thời gian uống rượu nhẹ.
"Tôi luôn nói với các bệnh nhân của mình rằng 'Não bộ của bạn suy yếu sớm hơn rất nhiều so với gan. Trước cả xơ gan, bạn sẽ bị trầm cảm, ủ rũ, gặp vấn đề trong kiểm soát cảm xúc, khi đưa ra quyết định phức tạp. Nhiều người bắt đầu nhìn nhận bạn như 'một ông già lẩm cẩm'", bác sĩ Rao nói.
Rượu cũng ảnh hưởng xấu đến da. Giáo sư Nick Lowe, chuyên gia tư vấn da liễu tại Viện Nick Lowe, cho biết cồn dễ gây mẩn đỏ ở những người có da nhạy cảm. Nhiều người uống rượu bị bệnh rosacea - một chứng mẩn ngứa mạn tính do các mạch máu mở rộng và lưu thông máu nhiều hơn. Tình trạng này có thể giảm dần theo thời gian, song nó dễ dẫn đến giãn chứng tĩnh mạch. Bệnh điều trị được bằng liệu pháp laser mạch máu nhưng cần phát hiện sớm để có kết quả tốt nhất.
Rượu cũng có thể khiến người dùng căng thẳng, lo lắng, từ đó sản sinh các hormone androgen kích thích mụn trứng cá. Cồn khiến da bị bong tróc, tạo bọng mắt. Lượng đường dư thừa trong bia rượu làm tổn hại DNA và collagen trong da, có thể dẫn đến lão hóa nhanh hơn, theo giáo sư Lowe.
Người thường xuyên uống rượu có nguy cơ tử vong do các bệnh về tim mạch cao hơn đáng kể. Rượu làm tăng huyết áp cả ngắn và dài hại, khiến tỷ lệ đau tim và đột quỵ cao hơn.
Tiến sĩ Mike Knapton, cựu phó giám đốc y tế của Quỹ Tim mạch Anh, cho biết: "Lạm dụng rượu bia cũng làm hỏng khả năng bơm máu của tim, tình trạng này gọi là viêm cơ tim, làm tăng nguy cơ suy tim".
Do dân số tiêu thụ nhiều rượu bia, tỷ lệ mắc bệnh về gan tại Anh gia tăng ở mức đáng kinh ngạc, hơn 400% kể từ năm 1970 đến nay. Tiến sĩ Debbie Shawcross, chuyên gia tư vấn về gan tại Bệnh viện King's College, cho biết: "Nhóm có nguy cơ cao không chỉ là những người lạm dụng rượu bia mạn tính, mà còn là những người ở độ tuổi trung niên, uống quá nhiều rượu vào ban đêm".
"Gan ban đầu nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ. Nếu bạn tiếp tục uống rượu trong độ tuổi từ 40 đến 55, chất béo và chứng viêm sẽ tạo mô sẹo, khiến gan co lại, dẫn đến xơ gan hoặc các bệnh về gan khác ở khoảng một phần 6 số người sử dụng rượu", tiến sĩ Shawcross giải thích.
Gan có khả năng tự phục hồi, khỏe mạnh trở lại nếu ngừng lạm dụng rượu bia. Quỹ Liver Trust Anh gợi ý mỗi người có thể đặt mục tiêu không uống rượu liên tục trong ba ngày mỗi tuần để gan có thời gian tái tạo.
Mỗi năm, Anh ghi nhận khoảng 13.000 trường hợp mắc ung thư bắt nguồn từ việc uống rượu.
Nicola Smith, chuyên viên thông tin y tế của Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, cho biết: "Uống rượu ở mức độ nào cũng có thể gây ung thư. Rượu có thể gây ra ung thư vòm họng, khoang miệng, thực quản, đại tràng, ung thư vú. Uống càng nhiều rượu, nguy cơ mắc bệnh càng cao do ethanol trong rượu bị phân hủy thành acetaldehyde, gây tổn thương DNA và tác động trực tiếp đến các tế bào ung thư".
Người vừa hút thuốc vừa uống rượu có nguy cơ cao mắc ung thư khoang miệng và cổ họng, vì rượu khiến tế bào phản ứng nhanh hơn với chất độc trong khói thuốc.
Uống rượu trong thai kỳ có thể gây ra các vấn đề lâu dài cho cơ thể của trẻ nhỏ.
"Đối với nam giới, uống quá nhiều rượu làm giảm mức testosterone, giảm chất lượng và số lượng tinh trùng", tiến sĩ Gillian Lockwood, Giám đốc y tế Quỹ Midland Fertility, cho biết.
Thông thường, chu kỳ tái tạo tinh trùng là 70 ngày. Thói quen uống rượu say kéo dài thời gian này, đặc biệt đối với nam giới trên 40 tuổi, có chất lượng tinh trùng đã suy giảm.
Rượu cũng tác động xấu đến cân nặng. Mỗi gam rượu chứa 7 calo, gần bằng với chất béo. Khi hấp thụ, cơ thể người nhận ra các sản phẩm phụ của nó là độc tố và chọn phá vỡ chúng trước tiên thông qua chất dinh dưỡng trong thực phẩm, theo tiến sĩ Robert Hobson, tác giả cuốn The Detox Kitchen Bible.
"Khi cơ thể bắt đầu chuyển hóa thức ăn, nó không cần đến calo nữa. Lượng calo này được lưu trữ dưới dạng chất béo", tiến sĩ Hobson nói.
Thục Linh (Theo Telegraph)