Ngày 29/10, Lê Thị Hằng đạt 302 chặng marathon, và còn 63 chặng nữa để hoàn tất mục tiêu biến năm nay thành cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời. Từ một người không mạnh về thể chất và mới đến với chạy bộ trong một năm, cô gái gốc Quảng Bình đang dần biến mục tiêu tưởng như bất khả thi thành sự thật.
Được tạo cảm hứng từ Gary McKee - runner người Anh hoàn thành thử thách chạy mỗi ngày một cữ marathon trong 365 ngày của năm 2022, qua đó gây quỹ từ thiện 1,2 triệu USD, Hằng bắt đầu hành trình vào đêm giao thừa 2023. Nữ runner muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng, đồng thời gây quỹ Vì ngày mai tươi sáng và quỹ Nụ cười trẻ thơ.
"Bạn bè nói tôi bị khùng", Hằng nói với VnExpress. "Cũng có lúc tự bản thân cảm thấy nản. Nhưng runner người Anh đó đã tạo động lực cho tôi rất nhiều. Tôi nghĩ anh ấy làm được thì tại sao mình không thể. Cứ thế, tôi tiếp tục. Đến giờ cũng được hơn bốn phần năm chặng đường rồi. Rất may là tôi không nợ chặng nào".
Giống nhiều runner khác, chạy bộ giúp Hằng tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Cuối năm 2021, thất bại trong kinh doanh và gánh một khoản nợ, chị quyết định ra đường tập chạy vì nghe một người bạn nói môn này có thể xả stress. Buổi sáng đầu tiên thử sức, chị chỉ chạy được vài trăm mét là hụt hơi. Tuy nhiên, quyết tâm không bỏ cuộc, chị lại dậy sớm vào sáng hôm sau và lần này chạy được 3 km. Dần dần, thành tích của cô được cải thiện.
Sống và làm việc ở Vũng Tàu, Hằng sinh hoạt với CLB VBRC (CLB chạy biển Vũng Tàu) và tìm được những người bạn mới. Đây cũng là những người đầu tiên khích lệ Hằng đến với hành trình chinh phục 365 cữ marathon trong năm 2023. Trong buổi chạy đêm giao thừa 2023, câu chuyện về runner Gary McKee được mọi người trong VBRC mang ra bàn luận, và Hằng cho rằng bản thân có thể làm điều tương tự.
"Những ngày đầu, tôi bị khớp vì thể lực không có, kiến thức về chạy bộ cũng không. Tôi sụt mấy kg liên tiếp. Qua sự tư vấn của một người bạn, tôi nhận ra trước giờ mình đã phá sức quá nhiều và không biết cách chăm sóc cơ thể. Từ đó, tôi tự lên lịch trình ngủ, nghỉ, ăn uống mỗi ngày sao cho tối ưu nhất để hoàn thành hành trình này", cô nói.
Theo Hằng, giấc ngủ quan trọng nhất với một người chạy marathon thường xuyên. Cô bỏ những buổi cafe, nói chuyện phiếm với bạn bè để đi ngủ vào 19h30 hoặc 20h, trễ nhất là 21h. Khoảng 0h30 sáng, cô thức dậy và bắt đầu lên núi tập, đến 6h30 hoặc 7h thì về. Cô dành khoảng 10 đến 15 phút ngâm chân dưới nước biển để phục hồi. Runner 36 tuổi biết chạy nhiều sẽ ảnh hưởng đến xương khớp nên chú ý lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy cơ thể chưa sẵn sàng, cô sẽ bỏ không chạy nữa.
Ngoài thời gian một mình, Hằng đôi khi có sự đồng hành của các bạn chạy khác. Cô cũng tham gia giải. Mỗi lần như vậy, do mất một ngày di chuyển, Hằng bị nợ cự ly và phải chạy bù, dẫn tới có những ngày phải chạy hai cữ full marathon.
"Đáng nhớ nhất là vào tháng Ba năm nay. Khi ấy, tôi tham gia ba giải liên tiếp mà toàn phải đi xa. Riêng giải Tiền Phong marathon ở Lai Châu khiến tôi nợ tới 5 cái full marathon. Sau này có kinh nghiệm, tôi chạy dư ra từ trước. Giống như khi đến Sa Pa tham dự Việt Nam Mountain Marathon (VMM) vào tháng trước, tôi chạy hai cữ full marathon vào sáng và chiều thứ Tư trước khi lên đường hôm sau", nữ runner tiết lộ.
Những ngày chạy hai full marathon, Hằng bắt đầu từ 3h hoặc 4h chiều và chạy liên tục đến 6h sáng hôm sau. Tổng cộng thời gian bỏ ra khoảng 15 tiếng để đạt mục tiêu. Nữ runner thích chạy đường núi, đa số thời gian là chạy đường mòn, đi bộ và leo núi.
Để đảm bảo thể lực, Hằng cũng tự tìm hiểu và xây dựng cho bản thân kế hoạch dinh dưỡng. Mỗi sáng, sau khi chạy, cô uống sinh tố chuối, khoai hoặc cơm dừa. Hằng cũng ưa thích các loại hạt và đang bán online một số loại mà bản thân tâm đắc. Cô cũng dùng thêm thực phẩm chức năng.
"Tôi ăn hạt rất nhiều. Tự bản thân có thể làm mười mấy loại bánh từ hạt. Từ khi chạy, sức ăn của tôi tăng gấp ba khi trước. Bây giờ, tôi cảm thấy cơ thể rất khỏe. Mỗi ngày trước khi chạy, tôi chỉ cần uống một ly nước có cho thêm muối và mang theo một chai nước là có thể hoàn thành cung đường mà không bị mệt. Tôi nghĩ không ai lo cho cơ thể mình hơn ngoài bản thân và quá trình tìm hiểu cơ thể của mỗi người là khác nhau", Hằng chia sẻ.
Lê Thị Hằng thường mang dép sandal khi chạy chứ không mang giày. Cô đã mang đến đôi thứ chín trong năm nay. Khi về nhì cự ly 100 km nữ tại VMM 2023, cô khiến nhiều bạn chạy thích thú khi băng về đích với một đôi dép. Tương tự, ở giải Laan Trail vào tháng 12/2022, khi Lê Thị Hằng thỏa ước mơ hoàn thành cự ly 75km, cô cũng mang một đôi dép dù thời tiết mưa lớn và trơn trượt.
"Đó là kỷ niệm đẹp nhất từ khi tôi đi chạy. Chân tôi bị rễ thông đâm vào rất đau. Nhưng bất ngờ, tôi được một runner nam chạy cùng động viên. Khi gần về đích, biết tôi dẫn đầu cự ly, nhiều bạn chạy đã hoan hô, khiến tôi rất xúc động. Tôi không ngờ là bản thân về nhất. Tối hôm trước, tôi còn dựng lều ngủ ngoài rừng để chờ giờ xuất phát. Tôi nghĩ đó chính là khoảnh khắc hạt mầm trong tôi nảy lên và trở thành một cái cây", Hằng nói.
Khi được hỏi lời khuyên dành cho những người muốn chinh phục hành trình tương tự, Hằng cho rằng có ba yếu tố cần được đảm bảo: Có thời gian, có tính kỷ luật và không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ.
Hành trình chạy bộ không khiến Lê Thị Hằng quên đi thực tế bản thân phải đối mặt. Người thân, bạn bè nhiều lần khuyên dừng lại. Trên vai cô, khoản nợ từ lần kinh doanh thất bại trước vẫn còn. Để được chạy, cô từ chối nhiều công việc ổn định với mức lương khá và chấp nhận bán hàng online để được tự chủ thời gian.
Đến nay, Hằng đã sống ở Vũng Tàu 20 năm, kinh qua nhiều nghề, từ làm du lịch, bán căn hộ chung cư đến làm việc cho doanh nghiệp Nga. "Cách đây một tháng, mẹ điện thoại và khuyên tôi dừng hành trình marathon này lại để đi làm kiếm tiền. Nhưng tôi thuyết phục rằng bản thân đã đi được hơn hai phần ba chặng đường rồi. Chỉ còn vài tháng nữa thôi, tôi sẽ đi làm như bình thường. Tôi nghĩ trước khi sống cho mình thì hãy làm gì đó cho cộng đồng đã", cô bộc bạch.
Quỳnh Chi