Gần đây, cộng đồng chạy bộ xôn xao khi một nhóm chạy ở Hà Nội công khai in bib giả số lượng lớn để tham dự các giải chạy. Thực tế, tình trạng này đã nhen nhóm từ năm 2020, đến nay thì bùng phát.
Từ một bib chính chủ có sẵn, những người này in thành nhiều bản sao. Lợi dụng lúc đông người, ban tổ chức khó quản lý, họ trà trộn vào đám đông runner cùng xuất phát. Có người thậm chí chạy không mang bib với phương châm "đường là của chung, không ai có quyền ngăn cấm".
"Chúng tôi chỉ là những người yêu thể thao nhưng chưa được bib. Chúng tôi không nghĩ mình sai khi cosplay bib. Đường chạy là của dân, không của riêng ai. Chúng tôi không làm thiệt hại đến ai. Còn những thứ đáng lên án hơn trong xã hội thì các bạn không dám lên tiếng", một người dùng bib giả giải thích.
Nạn dùng bib giả không chỉ gây ảnh hưởng đến ban tổ chức mà còn khiến các runner bỏ tiền mua bib chịu thiệt thòi. Ở giải Hanoi Marathon - Heritage Race hồi tháng 10/2023, nhiều VĐV sử dụng bib giả khiến lượng huy chương vượt qua dự kiến của ban tổ chức, dẫn tới nhiều runner mua bib chính chủ bị "nợ" huy chương, đến nay chưa được trả.
Anh Hà Đăng Sơn, thành viên ban điều hành CLB AmsRunners cho biết: "Ở giải Vietnam International Half Marathon 2024 vừa qua, một người đeo bib giả đã nhận huy chương hoàn thành cự ly, đồng nghĩa một VĐV đăng ký hợp lệ không được nhận. Việc này có thể khiến ban tổ chức giải bị phàn nàn vì thiếu huy chương, gây thiệt hại uy tín. VĐV không có huy chương hoàn thành sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, ức chế, có thể khiến họ từ chối tham gia giải sau. Nếu ban tổ chức có tâm, họ có thể làm thêm huy chương và gửi cho VĐV sau giải. Nhưng như thế sẽ phát sinh chi phí".
Ở khía cạnh khác, người sử dụng bib giả cũng có thể gặp vạ vì hành vi của họ. Những cự ly dài của chạy bộ thường tiềm ẩn nhiều thử thách và rủi ro khi thi đấu. Nếu tham gia với bib giả, VĐV có thể không nhận được bất kỳ quyền lợi nào từ ban tổ chức liên quan đến bảo hiểm, y tế...
"Phản ứng đầu tiên của tôi là sốc, vì việc làm giả bib diễn ra trên quy mô lớn", anh Nguyễn Ngọc Tuân, runner sinh năm 1981 ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết. "Những người mang bib giả cũng đều đã ở tuổi trung niên, không thể bao biện rằng họ 'ngây thơ' khi làm vậy. Theo tôi thấy, cộng đồng chạy bộ đã phản ứng gay gắt với hiện tượng này ở một số giải chạy. Việc lên án là cần thiết để truyền thông, nâng cao ý thức cho cộng đồng, vì vẫn có những người chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề".
Theo anh Đăng Sơn, bên cạnh việc in bib giả, những trường hợp hoàn thành thi đấu bằng bib thật và đã nhận huy chương, áo finisher, rồi trao lại bib cho người khác chạy và nhận các vật phẩm tương tự cũng là hành động dùng bib giả.
Nhiều ban tổ chức giải biết đến hiện tượng này, nhưng không đủ nguồn lực để ngăn chặn, nhất là với những giải có quy mô lớn trên 10.000 người. Việc dùng bib giả khiến khâu vận hành giải đấu trở nên phức tạp hơn. Có trường hợp ban tổ chức chỉ biết kêu trời khi ảnh chụp VĐV toàn là những người dùng bib giả, trong khi những người chạy bằng bib thật thì khiếu nại vì không có ảnh.
"Runner chạy bib giả có thể khiến chúng tôi thiếu huy chương, áo, vật phẩm hoặc ảnh cho những nguời đăng ký hợp lệ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ không thể hỗ trợ các VĐV không đăng ký, nếu có bất trắc xảy ra vì không có thông tin", chị Lê Vân Anh, phó ban tổ chức hệ thống VnExpress Marathon chia sẻ. "Các VĐV mua bib không từ ban tổ chức cũng có nguy cơ bị lừa đảo, mua phải bib giả, không có chip, nên không được ghi nhận kết quả trên hệ thống".
Theo anh Ngọc Tuân, dù hành vi này đáng bị lên án, cộng đồng chạy bộ nên tha thứ cho những người vi phạm và giải thích để họ hiểu vấn đề. Anh cho rằng đây là cách giúp cộng đồng chạy bộ Việt Nam văn minh hơn. "Ban tổ chức nên cấm vĩnh viễn những người sử dụng bib giả hoặc chạy chung bib. Việc đưa hình ảnh những người vi phạm lên mạng cũng nên được cân nhắc. Trước khi giải diễn ra, ban tổ chức có thể thường xuyên phát thông báo mang tính cảnh cáo về việc này", anh đề xuất thêm phương án với các nhà tổ chức giải chạy.
Quỳnh Chi