Ngày 12/4, ông Kim đến Đà Nẵng, sau khi đã thực hiện khoảng 75% hành trình hai chiều xuyên Việt, với thời gian 3 tháng 11 ngày. Nước da đã sạm đi nhiều, tựa như màu đất đỏ vì "phơi" nắng nhiều ngày, nhưng runner Hàn Quốc miệng luôn cười tươi khi kể về những trải nghiệm ở Việt Nam.
"Có đoạn đường dốc rất cao, tôi đã khát khô cổ họng. Ba lô không mang theo nước vì sợ nặng, và cũng không có quán nước nào gần đó. Đúng lúc tôi mệt và khát nhất, một anh lái xe container đi ngang, dừng lại cho tôi một chai nước ướp lạnh. Lúc đó, tôi như người chết sống lại, nhận vội chai nước để uống, dội cả lên người. Tôi thật sự biết ơn anh lái xe tốt bụng ấy", ông mở đầu câu chuyện.
Năm 2020, Kim cùng con trai 9 tuổi đến Kiên Giang du lịch cho kỳ nghỉ đông, khi làn sóng Covid-19 đầu tiên dần lắng xuống. Hai cha con dành hơn một tháng để chạy dọc những bãi biển và những cung đường của hòn đảo Phú Quốc, thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu văn hóa địa phương. Ông ấn tượng với những người Việt Nam hiền hậu, chất phác và mến khách.
Về nước, Kim lên kế hoạch chạy xuyên bán đảo Triều Tiên để "con trai tự hào về mình". Nhưng tình cờ cầm trên tay tấm bản đồ Việt Nam, ông nhìn những cung đường được chú thích bằng tiếng Hàn và nhận thấy đất nước hình chữ S có nhiều điểm tương đồng với quê nhà. Cộng thêm những ấn tượng đã có từ chuyến đi đầu tiên, Kim quyết định quay lại Việt Nam để thực hiện kế hoạch chạy.
Là một nhà đầu tư chứng khoán, Kim gác lại công việc để sang Việt Nam thực hiện chuyến đi ông dự trù trong bốn đến năm tháng, với 3.000 USD mang theo để trang trải tất cả chi phí đi lại, ăn, nghỉ.
Ngày 1/1/2023, ông đặt chân xuống TP HCM rồi bắt xe khách về Cà Mau, bắt đầu hành trình chạy bộ với chiếc ba lô chứa hành lý cá nhân tối thiểu, nặng 15 kg, thường trực trên vai. Người đàn ông đến từ Seoul lấy một tấm vải trắng khâu ra bên ngoài ba lô, viết lên dòng chữ bằng tiếng Việt: 4.720 km, từ Cà Mau đến Hà Nội, trở lại Cà Mau.
"Tôi đã chạy bộ 20 năm. Khi tôi nói sẽ chạy quãng đường này, nhiều bạn bè không tin. Có người bảo tôi bị điên. Nhưng khi đến Kiên Giang, tôi gặp một người Việt Nam, ông ấy thán phục và tin tôi sẽ làm được. Đó là động lực giúp tôi tiếp tục lên đường", ông kể.
Trên đường từ Cà Mau ra Hà Nội đến lúc trở lại Đà Nẵng, ông đã giảm từ 75 kg còn 55kg. Runner này khẳng định đôi chân vẫn ổn và thách thức chủ yếu đến từ việc phải đeo balo hành lý trên vai. Ông thường bắt đầu chạy vào khoảng 5-6h sáng. Mỗi ngày, Kim duy trì quãng đường khoảng 35 km, chứ không đặt nặng thành tích "phải chạy nhanh". Ông chạy men theo những cung đường quốc lộ, với sự trợ giúp từ app bản đồ. Chạy ngẫu hứng, không tìm hiểu trước chỗ dừng chân, nên nhiều lần đi qua vùng nông thôn, Kim phải chạy đến 50 km mới tìm được nhà nghỉ hoặc khách sạn.
Để bảo vệ đôi chân cho chặng đường dài, Kim thường thay giày khi chạy được khoảng 700 km. Mỗi khi phải mua giày mới, ông không tranh thủ đi du lịch mà dành thời gian nghỉ ngơi một ngày và thưởng thức một vài món ăn bản địa. "Tôi ăn được tất cả món ăn ở Việt Nam, từ bún chả, bún bò, phở đến mì quảng... và thấy món nào cũng rất ngon miệng", runner này nói.
Kim nhớ tất cả tỉnh thành ông đã đặt chân đến và có thể kể các địa danh bằng tiếng Việt, nhưng "thích nhất là thành phố Thanh Hóa vì rất sạch và đường xá rộng rãi". Trên đường đi, ông luôn nhận được sự chào đón, giúp đỡ của người dân. Có cậu bé trên đường đi học về, thấy Kim chạy bộ giữa trời nắng, đạp xe quay lại, dúi vào tay tờ 20.000 đồng, nói "tặng bác mua nước uống".
Một số CLB chạy ở các địa phương nơi ông đi qua cũng nhắn tin ủng hộ, khích lệ, thậm chí chạy xe máy theo để support Kim trên một số quãng đường.
"Tôi yêu Việt Nam", Kim nói trước lúc rời Đà Nẵng tiếp tục hơn 1.250 km còn lại về đất mũi Cà Mau của hành trình chạy bộ hai chiều xuyên Việt.
Ông nhận xét đường chạy ở Việt Nam rất đẹp, nhất là các cung đường ven biển. "Tôi cũng có biết hệ thống VnExpress Marathon đã tổ chức thành công nhiều giải chạy ở một số tỉnh thành ở Việt Nam, cả ban ngày và ban đêm, thu hút đông runer quốc tế. Nếu có dịp, tôi rất muốn được một giải thuộc hệ thống này", Kim chia sẻ.