Trên Instagram ngày 14/8, Harvey đăng ảnh phải đi nạng ở ga tàu quốc tế St. Pancras tại London và cho biết cảm thấy "bị căng ở hông" vài tuần trước cuộc đua marathon nữ tại Paris ngày 11/8.
"Tôi và các thành viên đội tuyển tốn nhiều công sức để tôi có thể đủ khỏe mạnh khi thi đấu. Chúng tôi nghĩ lạc quan rằng với một chút adrenaline trong ngày đua, tôi vẫn sẽ thi đấu tốt nhất có thể", runner Anh viết.
Nhưng sau vài kilomet, Harvey nhanh chóng nhận ra không thể thi đấu tốt và so sánh việc chạy quãng đường còn lại như "trận chiến đau đớn". Chung cuộc, cô cán đích thứ 78 trên 80 VĐV với thời gian 2 giờ 51 phút 3 giây, về sau nhà vô địch Sifan Hassan hơn 28 phút.
Sau khi được chụp chiếu, các bác sĩ kết luận Harvey bị gãy xương đùi trái do căng thẳng ngay sau khi xuất phát và phải chạy gần như toàn bộ quãng đường 42,195 km với chấn thương này. "Trong bất kỳ cuộc đua nào khác, tôi sẽ dừng lại bởi có rất nhiều khoảnh khắc tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục. Những đoạn dốc xuống như địa ngục vậy", chân chạy 31 tuổi bày tỏ.
Harvey hài lòng với màn trình diễn dù không đạt thành tích cao tại Paris. "Phần lớn mục tiêu không đạt được nhưng vẫn còn một phần nhỏ trong giấc mơ Olympic để tôi nỗ lực", cô giải thích về việc không bỏ cuộc. "Đó là hoàn thành nội dung marathon tại Thế vận hội. Tôi luôn tự nhủ phải mỉm cười, hòa mình vào nguồn năng lượng đáng kinh ngạc của đám đông và tiếp tục guồng chân".
Harvey chỉ tập trung cho sự nghiệp chạy bộ trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19, sau khi bị sa thải khỏi công việc luật sư doanh nghiệp trong ngành công nghiệp âm nhạc. Cô được HLV Phil Kissi phát hiện đang chạy ở Công viên Battersea ở London vào năm 2020 và thăng tiến mạnh mẽ.
Harvey được chọn vào tuyển marathon của Anh dự Olympic Paris 2024, sau khi hoàn thành Chicago Marathon 2023 trong 2 giờ 23 phút 21 giây, chỉ kém 26 giây so với kỷ lục Thế vận hội của Hassan ở Paris.
"Thi đấu Olympic là điều tôi sẽ không bao giờ quên và việc có thể chia sẻ cuộc đua với rất nhiều người bạn và gia đình tuyệt vời có ý nghĩa rất lớn", Harvey tự hào. "Đây là chuyến đi đầy thử thách, một chương mới trong cuộc đời và tôi biết ơn vì tất cả".
Nội dung marathon nữ tại Paris 2024 cũng chứng kiến cuộc chuyện nghị lực tương tự. VĐV người Bhutan, Kinzang Lhamo hoàn thành lộ trình được dự báo khó chưa từng thấy với nhiều độ dốc tại Paris trong 3 giờ 52 phút 59 giây. VĐV người Bhutan thậm chí đi bộ nhiều thời điểm, nhưng được động viên tiếp tục thi đấu bởi những khán giả đạp xe và chạy cùng cô ở những km cuối.
Toàn bộ người hâm mộ trên khán đài tại điện Les Invalides đều đứng dậy cổ vũ và dành tràng pháo tay khi Lhamo tiến về vạch đích. Cô là VĐV cuối cùng hoàn thành cự ly 42,195 km, về sau nhà vô địch Sifan Hassan hơn 1 tiếng rưỡi.
Lhamo, 26 tuổi, tới Paris 2024 với tư cách là người cầm cờ của Bhutan trong lễ khai mạc, cũng như là VĐV nữ duy nhất trong đoàn gồm ba VĐV của quốc gia này.
Cô bắt đầu chạy sau khi gia nhập quân đội Bhutan. Lhamo thắng Bhutan Marathon 2023 và bảo vệ danh hiệu năm nay với thành tích cá nhân tốt nhất (PB) 3 giờ 26 phút. VĐV 26 tuổi còn về nhì Snowman Race 2022 - giải ultra marathon kéo dài năm ngày tại Chamkhar ở Bumthang băng qua dãy núi Himalaya.
"Ước mơ của tôi luôn là thi đấu tại những đấu trường lớn thế này", Lhamo nói với Deutsche Welle trước lần đầu thi đấu tại Thế vận hội. Cô đặt hai mục tiêu khi tới Paris, là hoàn thành cuộc đua marathon và đạt PB. Lhamo không thể cải thiện thành tích cá nhân tốt nhất, nhưng màn trình diễn của cô đã truyền cảm hứng cho người hâm mộ trên toàn thế giới.
Nhiều người cũng liên tưởng tinh thần thi đấu và sự quyết tâm của Lhamo với John Stephen Akhwari - cựu VĐV người Tanzania chấn thương, nhưng vẫn tập tễnh về đích trong cuộc thi marathon Olympic tại Mexico 1968. Khi đó, được hỏi tại sao cố gắng thi đấu dù đang bị đau, Akhwari đáp: "Đất nước của tôi không để tôi đi 5.000 dặm để bắt đầu cuộc đua, mà để kết thúc cuộc đua".
Hồng Duy