Thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp đã xảy ra tại các ngân hàng thương mại cổ phần đó là nhiều cán bộ, nhân viên ngân hàng có những sai phạm cố ý có liên quan đến từ đạo đức trong kinh doanh ngân hàng.
Rủi ro tiềm ẩn liên quan đến đạo đức là việc cho vay mạo hiểm hoặc cố ý lách quy định giữa ngân hàng và khách hàng vay, thông qua nhận định của nhân viên trực tiếp và cấp quản lý.
Việc tác động công tác thẩm định khách hàng có thể gây hậu quả cho ngân hàng là tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi tăng cao.
Ngoài ra, rủi ro đạo đức có thể đến từ phía khách hàng, khi họ cố tình che giấu, làm lệch thông tin cung cấp cho ngân hàng và thực hiện những hoạt động gây rủi ro cho khoản vay. Rủi ro đạo đức còn đến từ chính tuyển dụng, bổ nhiệm và bố trí nhân sự ngân hàng thiếu năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức nghề nghiệp.
>> Bài học của tôi sau 20 năm làm ngân hàng
Sự thông đồng giữa cán bộ quản lý và nhân viên ngân hàng với khách hàng để làm sai lệch thông tin, thay đổi bản chất, tiêu chí đánh giá khách hàng. Một hành vi khác là định giá cao hơn thực tế giá trị tài sản đảm bảo và cố tình vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn cho vay. Qua đó nhằm mục đích trục lợi cá nhân thông qua việc làm này, thậm chí nghiêm trọng hơn đó là lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng và ngân hàng trong huy động và rút tiền từ tài khoản tiết kiệm, tài khoản thanh toán của khách hàng dựa trên sơ hở trong quy trình chăm sóc khách hàng của ngân hàng.
Nhìn chung, do các ngân hàng ban hành các chính sách, tiêu chuẩn cho vay chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, khoa học và cả do những bất cập trong công tác quản lý cán bộ... cho nên từ đó rủi ro về đạo đức có thể phát sinh và tồn tại. Rủi ro đạo đức gia tăng khi có bất ổn trên thị trường tài chính.
Đồng thời, chính rủi ro đạo đức lại trực tiếp làm gia tăng những căng thẳng và bất ổn này, làm gia tăng rủi ro, hệ lụy xấu không chỉ cho riêng mỗi ngân hàng, mà còn làm ảnh hưởng đến sự ổn định và lành mạnh của cả hệ thống ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp và đến tâm lý của khách hàng.
Một điều quan trọng, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng là kinh doanh niềm tin, kinh doanh dựa trên sự tín nhiệm là chủ đạo. Khi mất niềm tin, khách hàng sẽ ảnh hưởng tâm lý và sẽ không giao dịch với ngân hàng, thì hoạt động kinh doanh ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Rủi ro đạo đức có thể xảy ra nhiều bộ phận và dù xảy ra ở bộ phận nào trong hoạt động ngân hàng, hậu quả mà nó gây ra là vô cùng to lớn đối với tài sản, uy tín và thương hiệu của ngân hàng và của khách hàng. Do đó, để kiểm soát các rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng, cần có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất, quyết liệt từ ngân hàng và từng đơn vị kinh doanh trong hệ thống.
>> Nhân viên ngân hàng 'trong thấm ngoài thâm'
Theo đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyển dụng nhân sự và cần áp dụng những chế tài thật công bằng và quyết liệt đối với nhân sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong các bộ phận quan trọng như: bộ phận tín dụng, thẩm định khách hàng, bộ phận định giá tài sản đảm bảo...
Ngân hàng cần ban hành bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cụ thể cho mỗi chức danh và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cấp, hoàn thiện những yêu cầu và các quy trình nghiệp vụ. Làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, và tăng cường hoạt động nghiệp vụ giám sát, kiểm tra trong nội bộ và trong toàn hệ thống.
Phải luôn bảo đảm sự minh bạch và thông suốt thông tin, khả năng chủ động nhận diện, phát hiện sớm và áp dụng thực tế các chế tài nghiêm khắc cho các rủi ro, những hành vi vi phạm và ngoài ra, rủi ro đạo đức cần được nhận diện sớm, ngăn chặn quyết liệt, liên tục, nghiêm túc.
Nguyễn Minh Trí
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.