Rửa tay hàng chục lần mỗi ngày, nhốt mình trong nhà để tránh tiếp xúc với người khác, không ngừng lo lắng về tác dụng phụ của vaccine Covid-19, người bị ám ảnh cưỡng chế (OCD) tại Hong Kong trải qua hai năm đại dịch tồi tệ, sức khỏe tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng.
Minal Mahtani, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Hỗ trợ Người bị OCD và Rối loạn lo âu Hong Kong, cho biết lượng email và số cuộc gọi đến đường dây nóng đã tăng 4 lần, từ 20 lên 80 lượt một tuần. Con số vẫn ở mức cao đến đáng lo ngại dù dịch bệnh gần như hạ nhiệt hoàn toàn trong khu vực.
"Covid-19 đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng tôi. Rất nhiều người cảm thấy mơ hồ và không chắc chắn về tương lai", Mahtani nói nói. Triệu chứng của những người mắc OCD cũng nghiêm trọng hơn giữa đại dịch.
Theo tài liệu y khoa, căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số toàn cầu. Đặc trưng của bệnh là các ý nghĩ không mong muốn lặp đi lặp lại trong đầu, giống như "một chiếc băng ghi âm bị hỏng" hoặc "một bài hát kẹt trong trí não bạn", bà Mahtani mô tả. Triệu chứng trầm trọng đến mức các bệnh nhân không thể sinh hoạt bình thường.
Điều này dẫn đến các hành vì cưỡng chế, lặp lại để giải tỏa những ám ảnh đó. Ví dụ, nhiều người bị OCD đã rửa tay hàng chục lần mỗi ngày vì nỗi lo nhiễm nCoV đến cực đoan.
Cơ quan quản lý bệnh viện Hong Kong không cung cấp bản thống kê thường niên về các hội chứng tâm thần, nhưng số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện công đã tăng hàng năm, từ 240.900 người trong giai đoạn 2016-2017 lên 275.800 trong giai đoạn 2020-2021.
Số liệu thực tế có thể cao hơn nếu chính phủ không đóng cửa các dịch vụ y tế không thiết yếu trong một thời gian. Covid-19 làm trầm trọng hơn nỗi sợ vốn cực đoan của những người bị ám ảnh cưỡng chế dạng sợ dịch bệnh. Nhiều người tích trữ, lạm dụng xà phòng, từ chối bước nửa bước chân ra khỏi nhà, không muốn chạm vào nút bấm thang máy, không muốn đi thang máy,...
"Chỉ bị ho nhẹ, sốt hoặc khô họng, họ lập tức kết luận ‘Tôi mắc Covid-19, tôi sắp chết, đây là vấn đề lớn nhất thế giới", Mahtani giải thích.
Bà cho biết OCD cũng khó điều trị hơn. Trước đây, Mahtani và 4 đồng nghiệp thử liệu pháp hành vi nhận thức với các bệnh nhân. Đây là một dạng can thiệp tâm lý xã hội nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần. Bệnh nhân sẽ trò chuyện về tình trạng bệnh và những vấn đề liên quan. Sau đó, bác sĩ hoặc nhà trị liệu dẫn họ đến nơi công cộng, để họ chạm vào tay nắm cửa trong 20 giây (hành động mà họ vốn sợ hãi) để chứng minh điều này không để gây tác hại nào.
Nhưng bài tập đơn giản trở nên bất khả thi giữa đại dịch, khi virus thực sự đe dọa mạng sống. Việc giảm thiểu các suy nghĩ cực đoan của bệnh nhân ngày một khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh truyền thông xã hội đều đặn lặp lại thông điệp về rửa tay thường xuyên và tránh ra vào các không gian công cộng.
Gần đây, các bệnh nhân OCD có thêm nỗi lo lắng với vaccine. Mahtani đề nghị giới chức điều phối thêm bác sĩ trị liệu có trình độ chuyên môn đến các trung tâm tiêm chủng để xoa dịu nỗi sợ của người bệnh trong 15 phút chờ đợi trước và sau tiêm. Khoảng thời gian ngắn, nhưng cực kì khó chịu đối với người bị ám ảnh cưỡng chế.
Theo tiến sĩ tâm thần học Ivan Mak Wing-chit, một số bệnh nhân bị OCD do gene di truyền hoặc tiền sử gia đình, những người khác mắc bệnh do yếu tố môi trường, áp lực cuộc sống.
"Tôi thấy nhiều bệnh nhân bị OCD hơn trong thời gian Covid-19 diễn ra. Một số người tái phát sau khi đã khỏi bệnh trước đó", ông nói. Một bệnh nhân được chẩn đoán mắc OCD sau đại dịch, người này quá lo sợ virus bám trên giày đến nỗi không dám ra ngoài.
Dù ngành y tế đã đạt nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, OCD vẫn là một căn bệnh dễ bị công chúng hiểu sai.
"Chúng ta không nên đổi lỗi hoặc chế giễu họ vì điều đó. Các tốt hơn là giúp đỡ và động viên họ", Mahtani nói.
Thục Linh (Theo SCMP, McLean Hospital)