Covid-19 như một cơn sang chấn tập thể, nghĩa là ai cũng có thể bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần. Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM) cho biết, trong tổng số thân chủ được anh trợ giúp tâm lý, có đến 30% là nhân viên y tế, còn lại và F0 và thân nhân F0.
Một nam bác sĩ người Quảng Ninh chia sẻ sau những chuyến tham gia chống dịch, anh trưởng thành và vững vàng hơn khi học được nhiều kiến thức mới và được học hỏi từ y bác sĩ khác, "nhưng mệt mỏi, căng thẳng, tâm lý là điều không tránh khỏi".
Đêm 8/11, anh vừa đặt lưng nghỉ sau một ngày dài cật lực lấy mẫu, truy vết tại Uông Bí, thì choàng tỉnh vì tin nhắn báo có ổ dịch mới cần xét nghiệm. Đây là lần thứ 4 trong năm, anh được điều động đi chống dịch. Lần đầu tiên tại Đông Triều, Quảng Ninh (tháng 1); lần thứ hai tại Bắc Giang (tháng 4, 5); lần thứ ba tại Tây Ninh (tháng 7).
Đặc biệt, trong chuyến đi Tây Ninh, chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong, anh và nhiều đồng nghiệp suy sụp tinh thần. Có bệnh nhân hôm nay vẫn nói chuyện mà ngày mai phải đặt máy thở rồi tử vong nhanh chóng. "Tang thương, mất mát và áp lực là chưa từng có trong suốt 10 năm tôi theo nghề", anh nói.
Một nam bác sĩ là trưởng trạm y tế tại TP HCM bị ám ảnh với tiếng chuông điện thoại. Nguyên do là trong gần nửa năm bùng dịch, mỗi ngày ông nghe và xử lý vấn đề sau hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày. Các cuộc gọi gồm: Yêu cầu hỗ trợ y tế, giải đáp thắc mắc, phàn nàn từ người dân; ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC), Trung tâm y tế quận...
Lượng công việc khổng lồ dồn dập vắt kiệt sức lực bác sĩ. Nhiều đêm vừa ngả lưng xuống giường, có người đập cửa trạm y tế gọi, bác sĩ vùng dậy ngay, nhưng thay vì đáp "ơi" như bình thường, ông nói "a lô". Hồi tháng 8, áp lực dồn nén, ông muốn xin nghỉ việc, nhưng lại thôi.
Bác sĩ cho hay trong đợt dịch vừa qua có khoảng 8 trong số 10 đồng nghiệp cùng cấp với anh có ý định xin nghỉ hoặc muốn thuyên chuyển công tác khác, vì không chịu nổi áp lực công việc khủng khiếp lên tâm lý và thể chất. Hiện, ba đồng nghiệp nữ trong số đó đã nghỉ việc.
Hiện, Việt Nam chưa có các nghiên cứu, thống kê bài bản và đầy đủ về sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trên thế giới, hơn 40% bác sĩ ở Anh đang gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, theo khảo sát của Hiệp hội Y khoa Anh tháng 10/2020. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí General Hospital Psychiatry vào tháng 9/2020, tại một bệnh ở New York, Mỹ, cho thấy có 64% y tá kiệt sức cấp tính, 53% có dấu hiệu trầm cảm, và 40% lo âu. Tình trạng ở y tá phổ biến hơn so với bác sĩ.
Theo các chuyên gia, trong ba vấn đề tâm lý nổi cộm mà nhân viên y tế thường gặp phải, tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) diễn ra ở một số nhân viên y tế phải chứng kiến những tình huống đau lòng như bệnh nhân tử vong với số lượng lớn. Sau thời gian đối diện trực tiếp, họ có thể gặp các cơn ác mộng hoặc hồi tưởng về những ký ức kinh hoàng đã qua, xáo trộn về cảm xúc, tránh né những yếu tố gây nhớ lại sự kiện tiêu cực.
Một nhóm khác rơi vào tình huống tổn thương đạo đức, khi phải chứng kiến hoặc thực hiện các quyết định liên quan đến tính mạng bệnh nhân, mà đưa đến kết quả tiêu cực... Những quyết định và chọn lựa này đôi khi mâu thuẫn với các giá trị đạo đức của bản thân hay chuẩn mực hành nghề. Tình trạng này có thể làm nhân viên y tế cảm thấy tội lỗi, tự trách mình, giảm động lực làm việc, xáo trộn thói quen ăn uống, nghỉ ngơi...
Những người làm việc chăm sóc F0 như y bác sĩ, điều dưỡng, nhà tâm lý, nhân viên xã hội... có thể cảm thấy bị cạn kiệt lòng trắc ẩn. Khi phải chăm sóc người khác với cường độ cao và thời gian liên tục, họ dễ kiệt quệ về tinh thần và thể chất, dẫn đến suy giảm khả năng thấu cảm hoặc trắc ẩn với người khác. Họ sẽ giảm khả năng tập trung, cảm nhận sự bất lực và mất động lực làm việc.
"Đối với nhân viên y tế, họ phục hồi sức khỏe tinh thần theo hướng tích cực hơn nhờ vào khả năng tự phục hồi, nâng đỡ xã hội... Tuy nhiên, một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng bỏ việc hoặc tự sát", chuyên gia Thiện nhận định.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung (khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, Hà Nội), cho rằng thời gian đầu bùng phát dịch, nhân viên y tế phải làm quen với virus mới, phải đi học công tác phòng dịch và liên tục thay đổi để thích ứng. Kế đó là chuỗi ngày truy vết, lượng công việc tăng lên theo cấp số nhân, nguy cơ lây nhiễm cao, thời gian riêng thư giãn của họ gần như không còn.
Khi dịch bùng phát mạnh, tuyến trung ương, đặc biệt là nhân viên y tế trong phòng hồi sức tích cực (ICU) chịu nhiều áp lực và căng thẳng nhất do chưa thuốc điều trị, lượng F0 tử vong lớn. Nhiều đồng nghiệp tâm sự với bác sĩ Chung rằng họ cảm thấy quá bất lực khi nhìn bệnh nhân tử vong, dù đã cố gắng. Từ đó, họ thường mệt mỏi, chán nản, mất ngủ, nghiêm trọng hơn là rối loạn lo âu, sang chấn. "Những cảnh tượng thảm họa ghim vào tiềm thức họ lâu và sâu hơn", bác sĩ nói.
Một lý do khác, dịch bệnh liên tục kéo dài, khối lượng công việc lớn khiến y bác sĩ không tránh được mệt mỏi, chán nản. Chưa kể, nhân viên y tế chống dịch xa gia đình thường lo lắng người thân mắc bệnh hoặc người vẫn về nhà thì sợ lây nhiễm người thân. Nhiều trường hợp nghe tin người nhà mất, có thể mất vì Covid-19 mà không thể về chịu tang, họ đâm ra tự trách mình.
Hồi tháng 9, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, trong công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý đối với các y bác sĩ. Tại các bệnh viện dã chiến TP HCM, một bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc 140-150 F0, mỗi tua làm việc 8-10 giờ sau đó phải làm việc hành chính... Trong khi đó, nếu không may nhiễm bệnh, nhân viên y tế phải chuyển lên khu người bệnh thì suất ăn 120.000 đồng của họ chuyển sang tiêu chuẩn của người bệnh là 80.000 đồng một ngày. Nếu mua thêm đồ ăn bổ sung, họ còn bị lực lượng an ninh quân sự kiểm tra nghiêm khắc bằng việc yêu cầu mở túi đồ để kiểm tra.
"Cùng một lúc chịu nhiều áp lực khiến nhân viên y tế dễ bị bào mòn tâm lý", bác sĩ Chung nói.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nhân viên y tế cũng cần được can thiệp, trị liệu tâm lý lâu dài. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hiệu quả, hỗ trợ kịp thời, hướng đến điều chỉnh phạm vi công việc phù hợp và phòng tránh nguy cơ kiệt sức dẫn đến cạn kiệt nguồn nhân lực trong bối cảnh quá tải vì dịch bệnh. Ngoài ra, các yếu tố về khả năng tự phục hồi của bản thân nhân viên y tế và nâng đỡ xã hội về vật chất, tinh thần từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cũng hỗ trợ sức khỏe tinh thần của họ.
Trong làn sóng Covid-19 tại TP HCM, hơn 80.000 cán bộ nhân viên y tế đã chung tay chống dịch. Trong đó, gần 25.000 nhân viên y tế từ khắp nơi cả nước đã đến hỗ trợ thành phố, là sự huy động lớn nhất từ trước đến nay. Theo một báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8, hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại TP HCM, một Bình Dương.
Thùy An - Thư Anh