Thời tiết trở lạnh tại một số tỉnh, thành ghi nhận ca viêm não và viêm màng não rải rác. Trên các hội nhóm dành cho bà mẹ, bài cảnh báo bệnh viêm màng não dày đặc khiến Lan Anh đứng ngồi không yên.
Trao đổi với nhân viên trung tâm tiêm chủng, chị Lan Anh giải thích: "Tôi rất lo lắng, cuối năm chúng tôi bận lắm, không thể ốm và tốn kém chi phí điều trị".
Lan Anh muốn chủng ngừa toàn bộ vaccine có khả năng phòng biến chứng viêm màng não và viêm phổi. Sau khi được bác sĩ tiêm chủng tư vấn, khám sàng lọc, gia đình chị Lan Anh tiêm các vaccine: cúm, sởi - quai bị - rubella, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, zona thần kinh.
Còn chị Minh Hồng (42 tuổi, Hà Nội), hẹn lịch khám tổng quát trong đêm sau khi đọc thông tin cảnh báo bệnh viêm màng não trên truyền thông. Lý do, chị bị sốt nhẹ và đau đầu về đêm, triệu chứng tương tự bệnh viêm màng não nên chị muốn đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
"Từng chứng kiến các em bé nhiễm viêm não Nhật Bản nằm li bì trong bệnh viện, tỷ lệ di chứng cao, nên tôi hiểu bệnh này rất nặng, phòng bệnh hơn chữa bệnh", Hồng nói.
Người phụ nữ cho biết đã tự cách ly với chồng và hai con để tránh bệnh lây lan trong cả gia đình. Mọi vật dụng chung trong nhà như bát, đũa, thìa... được chị đem khử trùng, cất riêng hoặc mua mới nếu đã sử dụng từ ba tháng trở lên, với tâm lý cẩn tắc vô áy náy.
Còn vợ chồng bà Trịnh Thị Thanh Thủy (58 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) tiêm mũi vaccine cúm nhắc lại hàng năm, bổ sung tiêm phế cầu 23 và zona thần kinh, hôm 11/12. Bà Thủy cho biết, ngoài vợ chồng bà, vợ chồng con trai và 2 cháu nội sống chung nhà cũng chủ động tiêm vaccine phòng ngừa bệnh truyền nhiễm do sợ bệnh viêm não và viêm phổi.
Bác sĩ Tống Thị Ngọc Cầm, Phó giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết viêm màng não là tình trạng viêm màng bọc xung quanh não và tủy sống, còn viêm não là tình trạng viêm nhu mô não. Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm các tổ chức của phổi như phế nang, ống phế nang gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Các bệnh đều có thể đe dọa tính mạng.
Vì vậy, nhiều người có tâm lý sợ bệnh, muốn tìm mọi cách để phòng ngừa, trong đó có tiêm chủng.
Các trung tâm VNVC đã ghi nhận nhu cầu tiêm chủng phòng các bệnh có thể biến chứng viêm màng não tăng lên trong hai tuần đầu tháng 12. Ngoài ra, nhu cầu chủng ngừa vaccine phòng sởi, sốt xuất huyết, bệnh có khả năng viêm phổi... cũng có xu hướng tăng. Việc này cho thấy người dân đã quan tâm hơn tới sức khỏe, tìm cách phòng bệnh thay vì tâm lý "mắc bệnh thì chữa".
Bác sĩ Cầm giải thích nhiều tác nhân có thể gây ra viêm não, viêm màng não và viêm phổi như cúm, vi khuẩn phế cầu, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, zona thần kinh... Ví dụ, viêm não do cúm thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới hai tuổi, sau khi sốt cao 39-40°C khoảng 2-3 ngày, có thể để lại di chứng về thần kinh, gây tử vong.
Viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân sởi. Viêm não do sởi xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra sau khi phát ban với các triệu chứng sốt, co giật, lừ đừ, hôn mê, tỷ lệ tử vong cao 10-40%. Ngoài ra, virus có thể tồn tại trong mô não và gây ra chứng viêm não toàn thể xơ cứng bán cấp không có phương pháp điều trị, thường gây tử vong sau 1-3 năm. Còn virus gây bệnh zona thần kinh gây bệnh ở taicó thể tấn công vào hệ thống dây thần kinh não bộ, dẫn tới tê bì tay chân, liệt, động kinh và tử vong.
Thời tiết lạnh, mưa ẩm vào cuối năm là môi trường thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Điều kiện thời tiết trên cũng gây giảm đề kháng, cơ thể hoạt động kém hơn dẫn tới dễ bị mầm bệnh tấn công.
Mặt khác, mầm bệnh cũng sống sót lâu hơn trong môi trường lạnh. Ví dụ virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại lên đến 4 ngày khi nhiệt độ nước khoảng 22 độ C và lên đến vài tuần khi 0-4 độ C.
Trong bối cảnh các bệnh như sởi, sốt xuất huyết tiếp tục tăng tại các địa phương, TP HCM cảnh báo khẩn để phòng chống bệnh viêm phổi nặng do virus, bác sĩ Cầm khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh song không nên quá cực đoan. Lý do, nhiều bệnh đã có vaccine phòng ngừa, nếu nhiễm sẽ giảm tỷ lệ trở nặng và biến chứng.
Mầm bệnh thường gặp và dễ nhiễm nhất là cúm, hiện có vaccine phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Mũi tiêm chỉ định cho trẻ tiêm từ 6 tháng tuổi, hàng năm tiêm nhắc một mũi. Nhờ ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập cơ thể, vaccine cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng của cúm như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não.
Vi khuẩn não mô cầu có thể gây bệnh lý viêm não, viêm màng não nặng, đã có ba vaccine phòng 5 nhóm vi khuẩn phổ biến gây bệnh. Vaccine chỉ định cho người hai tháng đến 55 tuổi, trong đó loại não mô cầu nhóm B thế hệ mới và loại phòng não mô cầu ACYW-135 được ưu tiên để phòng nhiều chủng vi khuẩn hơn.
Với vaccine phế cầu, hiện có hai loại phòng 13 và 23 chủng vi khuẩn với công nghệ và phạm vi phòng bệnh khác nhau. Mỗi người cần tiêm đầy đủ 2 loại. Ngoài ra, một số mũi tiêm khác cũng giúp phòng biến chứng viêm não, viêm màng não, người dân nên gặp bác sĩ tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.
Bên cạnh vaccine, gia đình có thể kết hợp thêm các biện pháp phòng bệnh khác như: dọn dẹp nhà cửa sạch, giữ ấm và vệ sinh cơ thể thường xuyên, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc này giúp tiêu diệt mầm bệnh trong gia đình, đồng thời tránh bội nhiễm khi bị ốm.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng sức chống chịu và khả năng đề kháng, gồm: ăn đủ chất dinh dưỡng, vận động thường xuyên, thăm khám ngay khi có các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, nổi phát ban.
Gia Nghi - Diệu Thuần
20h ngày 13/12, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Cập nhật diễn biến nguy hiểm của các bệnh viêm não, viêm màng não ở trẻ em và người lớn". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia:
BS Nguyễn Minh Luân, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
BS.CKII Nguyễn Thị Minh Hiền, khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM.
BS.CKI Hoàng Tuyết Sương, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Chương trình được phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phòng khám dinh dưỡng Nutrihome. Độc giả đặt câu hỏi tại đây.