Rosie Ruiz, còn được biết đến là Rosie Vivas, qua đời ở tuổi 67, hôm 8/7/2019 ở Palm Beach (bang Florida, Mỹ) vì ung thư, theo cáo phó từ gia đình. Diễn biến này không được nhiều người biết cho đến khi trang web về chạy bộ LetsRun nhìn thấy một bài viết có gắn đường dẫn đến bản cáo phó.
Thông tin trên được trang CBS Boston mô tả là "bí ẩn như chính câu chuyện của Rosie ở Boston cách đây gần 40 năm". Cáo phó sử dụng hình ảnh Rosie Ruiz nhưng với họ khác - Rosie Vivas, làm dấy lên đồn đoán suốt nhiều ngày.
Theo cáo phó, Rosie sinh năm 1953 tại Havana, Cuba. Bà tới Mỹ khi tám tuổi và sống với họ hàng ở Miami, bang Florida. Bà học piano tại Cao đẳng Wayne State, bang Nebraska, chuyển tới New York sống năm năm rồi quay về Florida.
Rosie cưới Aicaro Vivas năm 1984 và ly hôn sau đó hai năm rưỡi. Những người thân còn sống gồm bạn đời sống chung Margarita Alvarez, ba con trai – Francisco, Reynoldo, Gilberto, và một người anh em Robert Ruiz. Gia đình không tổ chức tang lễ theo đúng mong muốn cuối cùng của Ruiz.
Chiến thắng bí ẩn
Trong thời gian còn là thư ký tại một công ty buôn bán hàng hóa tại Manhattan, Ruiz đã tham gia Boston Marathon và về đích đầu tiên với thời gian 2 giờ 31 phút 56 giây. Kết quả này lẽ ra sẽ đưa Ruiz thành phụ nữ chạy marathon nhanh thứ ba thế giới. Nhưng trên thực tế, nó lại khiến bà trở thành biểu tượng gian lận trong làng chạy bộ.
"Đó là giai đoạn đáng chú ý trong lịch sử Boston Marathon, chắc chắn như vậy", Bill Rodgers, vô địch nam cự ly marathon Boston Marathon năm 1980, nói. Sự nghi ngờ cũng dấy lên khi ông ngồi cạnh người về nhất nữ. "Rosie tội nghiệp, bà ấy hứng chịu tất cả những gì tồi tệ nhất".
Rosie không có những dấu hiệu hay hành động như một người vừa chạy hơn 42 kilomet. Runner nữ này bước lên bục nhận huy chương và vòng nguyệt quế trong sự hoài nghi của các VĐV khác. Họ tự hỏi làm thế nào người phụ nữ mà họ chưa hề biết tên - hoặc nhìn thấy trên đường chạy - có thể về nhất.
"Chúng tôi đều biết bà ấy đã chạy tắt. Chúng tôi, những người hiểu marathon, đoán được", Rodgers trả lời hôm 8/8 khi được hãng tin AP hỏi về sự việc cách đây 39 năm. "Bà ấy không toát đủ mồ hôi. Bà ấy mặc một áo dày. Bà ấy không biết gì về chạy bộ".
"Tôi xuất hiện trên truyền hình cùng Rosie ngay hôm sau. Bà ấy chỉ biết khóc", Rodgers kể thêm. Ông cảm thấy Rosie muốn thú nhận điều gì đó. "Nếu bà ấy nói 'tôi xin lỗi, tôi đã phạm sai lầm', những người chạy bộ như chúng tôi sẽ thông cảm".
Rosie chia sẻ, trước Boston Marathon 1980, bà đã tham gia New York City Marathon 1979 và có thành tích 2 giờ 56 phút 33 giây.
"Vậy là bà cải thiện thành tích từ 2 giờ 56 phút lên 2 giờ 31 phút?", Kathrine Switzer, người phỏng vấn Rosie , hoài nghi. Switzer được biết đến là phụ nữ đầu tiên tham gia Boston Marathon. "Tôi đã tự tập luyện", Rosie trả lời và không giải thích thêm.
Rosie sau đó dường như không hiểu các câu hỏi của Switzer về chạy biến tốc (interval) - các bài tập được thiết kế để cải thiện tốc độ chạy cho runner.
"Rosie Ruiz, người phụ nữ chiến thắng bí ẩn - chúng tôi không gặp bà tại tất cả điểm hỗ trợ", Switzer tiếp tục nói khi Rosie đứng cạnh, đầu vẫn đội vòng nguyệt quế.
Sự thật phơi bày
Những năm 1980, chip theo dõi và các điểm kiểm soát điện tử chưa được sử dụng như bây giờ. Thay vào đó, các nhà tổ chức bố trí các giám sát viên ghi lại số báo danh của vận động viên chạy qua. Họ cũng tập trung chủ yếu vào cự ly marathon của nam.
Số báo danh của Rosie không xuất hiện trong ghi chép của giám sát viên tại Boston Marathon 1980. Các video cũng như khoảng 10.000 bức ảnh chụp dọc 40 kilomet đầu tiên của đường chạy hôm đó cũng không ghi lại được hình ảnh nữ runner này.
Hiệp hội Điền kinh Boston liên tục hỏi về phương thức tập luyện và vận tốc chạy, nhưng Rosie không có câu trả lời. Bà không nhận ra những thuật ngữ thường được giới chạy marathon chuyên nghiệp sử dụng. Rosie cũng không thể xác định các cột mốc buộc phải vượt qua trên đường chạy Boston Marathon.
Hai sinh viên Đại học Harvard khẳng định họ nhìn thấy nữ runner này nhập cuộc ở gần Quảng trường Kenmore, cách đích khoảng 1.500 mét.
Tám ngày sau race-day, Ruiz bị tước danh hiệu vô địch nữ. Vận động viên về nhì là Jacqueline Gareau, quốc tịch Canada, được tuyên bố là người chiến thắng thực sự. Gareau trở lại Boston để nhận danh hiệu.
"Thành thật, đây là ngày buồn thứ hai trong cuộc đời của tôi, sau ngày tôi buộc phải rời xa cha cách đây 18 năm", Rosie nói sau khi bị tước danh hiệu.
Gareau chỉ nhận huy chương thay thế, do Rosie vẫn khăng khăng rằng bà mới là nhà vô địch và không hoàn trả huy chương, theo news.com.au. Rosie tuyên bố sẽ lại tham gia Boston Marathon để chứng minh, nhưng bà không xuất hiện trên đường chạy giải thêm lần nào nữa.
"Mọi người cảm thấy tiếc cho tôi. Nhưng tôi nghĩ họ nên cảm thấy tiếc cho bà ấy", Gareau, từng hai lần về nhì, hai lần nằm trong nhóm 10 người về đích đầu tiên tại Boston Marathon, nói.
"Rosie là một phần trong cuộc đời tôi. Tôi không thể tách khỏi bà ấy vì câu chuyện ở Boston Marathon. Bà ấy không phải bạn tôi nhưng đã xuất hiện quá nhiều. Tôi hy vọng bà ấy sẽ liên lạc và nói 'tôi xin lỗi', nhưng không. Rosie có lẽ đã có một cuộc sống tốt hơn, cảm thấy tốt hơn".
Theo Gareau, hai người gặp lại nhau trong một giải chạy 10 kilomet ở Miami năm 1981, chín tháng sau giải Boston Marathon 1980.
"Bà ấy tự giới thiệu với tôi. 'Xin chào, tôi là Rosie Ruiz'. Tôi chào đáp lại", Gareau nhớ lại. "Rosie nói với tôi rằng bà ấy mới là người chiến thắng. Do đó, tôi không bàn cãi gì thêm".
Năm 1996, Steve Marek - người đứng đầu CLB chạy bộ ở Westchester, bang New York, một người bênh vực Rosie - nói vài tháng sau Boston Marathon 1980, Ruiz thừa nhận với ông rằng bà đã gian lận. "Bà ấy tách khỏi đám đông, không biết rằng VĐV nữ dẫn đầu còn chưa chạy qua", Marek kể với Boston Globe. "Tin tôi đi, bà ấy cũng sốc như bao người khác khi về nhất".
'Làm một cú Rosie'
Thành tích của Rosie tại New York City Marathon năm 1979 cũng có vấn đề. Susan Morrow, nhiếp ảnh gia tự do, kể lại với New York Times rằng bà đã đi cùng Rosie trên tàu điện ngầm khi New York City marathon đang diễn ra. Rosie kể với Morrow rằng bà bỏ cuộc ở kilomet thứ 16 vì bị chấn thương mắt cá chân.
Sau khi rời tàu điện ngầm, Morrow cùng Rosie đi bộ về vạch đích và chứng kiến Grete Waitz vô địch nữ cự ly marathon năm đó.
Rosie bước qua vạch đích và được chăm sóc y tế. Tuy nhiên, một tình nguyện viên đã tưởng nhầm bà là một runner về đích và bị chấn thương nên đã ghi nhận kết quả. Chính việc này giúp Rosie đạt chuẩn để dự Boston Marathon năm sau. Khi biết chuyện, sếp của bà ấn tượng, và tài trợ kinh phí cho Rosie đến Boston.
Ban tổ chức New York City Marathon không công nhận thành tích của Rosie sau khi biết sự việc.
Những bê bối về Rosie thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ giới truyền thông. "Làm một cú Rosie" là câu cửa miệng của giới chạy bộ cho việc chạy tắt – tình trạng vẫn xảy ra dù công tác giám sát từ ban tổ chức đã chặt chẽ hơn rất nhiều.
Một quán bar trên Quảng trường Kenmore thường treo biển "Rosie Ruiz bắt đầu từ đây" vào ngày chạy Boston Marathon hàng năm. Áo phông in hình xu tàu điện ngầm cùng dòng chữ "Rosie Ruiz Track Club" cũng bán chạy suốt nhiều năm.
Bê bối marathon không phải là điểm đen duy nhất trong cuộc đời của Rosie. Boston Globe đưa tin bà từng bị bắt tại New York với cáo buộc ăn cắp 60.000 USD tiền mặt và séc từ sếp năm 1982. Một năm sau, bà lĩnh án ba năm tù vì buôn lậu cocain.
Như Tâm tổng hợp