Cây thông, cây óc chó, cây sung là những loài cây cung cấp sự sống cho đàn ong ở khu vực sản xuất 40% mật ong của Hy Lạp. Những con ong cần cù đó là trở thành nền tảng của hệ sinh thái địa phương, giúp nông dân thụ phấn cây trồng.
"Đó là cả con đường sống mà chúng tôi đã mất đi cùng với cánh rừng", Babis, 53 tuổi, người kiếm sống nhờ nuôi ong, nói. "Chúng tôi sẽ tìm thấy gì ở đây sang năm? Đã kết thúc rồi. Chúng tôi đã rơi từ thiên đường xuống địa ngục".
Đàn ong được nuôi dưỡng qua nhiều thập kỷ, cùng kỹ năng truyền từ đời này sang đời khác, đã bị xóa sổ trong một trận cháy rừng dữ dội do tác động của biến đổi khí hậu.
Hy Lạp, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Tây Ban Nha và Algeria, đã hứng chịu một mùa hỏa hoạn khốc liệt mà Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gọi là "thảm họa sinh thái lớn nhất trong nhiều thập kỷ".
"Cuộc khủng hoảng khí hậu là một thực tế nghiệt ngã, cho chúng ta thấy rừng ngày càng dễ bị tổn thương và ngày càng có giá trị hơn những gì chúng cung cấp", Dimitris Karavellas, giám đốc điều hành Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Hy Lạp, nói. "Khủng hoảng khí hậu không phải lời ngụy biện cho thất bại, mà là hồi chuông cảnh tỉnh phải thay đổi".
Những đối với những người nuôi ong ở Evia, đã quá muộn để thay đổi. "Chúng tôi đã mất tổ ong vì phải chạy đi cứu làng", Adonis Vakos nói, mũ lưỡi trai trễ xuống khi đi khảo sát tàn tích của khu rừng cháy.
Vakos, 49 tuổi, đại diện cuối cùng của một gia đình nuôi ong, cho hay chỉ còn lại 50 tổ ong trong số 130 tổ mà ông có, trước khi cháy rừng hoành hành khắp hòn đảo trong 9 ngày.
"Tôi nuôi ong từ năm lên 10. Chúng tôi sẽ không bao giờ có thời gian để hồi sinh đàn. Chúng tôi sẽ chết trước khi đàn phát triển lại. Sẽ phải mất 50 năm, nếu có thể quay lại như trước", ông nói.
Phía bắc Evia là một trong những nơi nuôi ong nhiều nhất Hy Lạp. Nơi đây có vùng khí hậu đặc biệt, đa dạng sinh học cùng rừng thông, tạo điều kiện lý tưởng cho sản xuất mật ong.
"40% sản lượng mật ong của cả nước từ đây mà ra", Sathis Albanis, chủ tịch hợp tác xã nuôi ong địa phương, nói.
Suốt mùa hè tới tháng 11, hàng nghìn người nuôi ong Hy Lạp sẽ đưa tổ ong tới phía bắc Evia, theo Panagiotis Gianakaras, một người nuôi ong địa phương. Ông đã cứu được 80 tổ ong. Những chiếc hộp gỗ đầy màu sắc che chở hàng nghìn con ong giờ nằm yên dưới bóng cây ô liu.
Ngay cả với những người may mắn cứu được tổ ong, rừng và nguồn thức ăn bị phá hủy, buộc họ phải tìm nơi khác. "Ngày mai tôi sẽ đưa tổ ong tới Pelion", Adonis Angelou, người đã cứu được 150 tổ ong bằng cách sử dụng máy kéo dọn sạch vật liệu dễ cháy và tạo đám cháy xung quanh chúng, nói.
"Tôi đã thuê đất gần Volos, sẽ phải chịu thêm chi phí nhưng chẳng còn cách nào khác", Angelou noi. "May lắm là tôi đã cứu được ong. Nhưng lũ ong sẽ tìm thức ăn ở đâu? Chẳng lẽ chúng hút than củi ?"
Theo các nhà khoa học, từ mực nước biển dâng cao tới lũ quét, nắng nóng khó lường và dữ dội hơn, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi nông nghiệp và buộc nông dân phải từ bỏ đất sản xuất.
"Chúng tôi có thể phải di cư và đặt tổ ong ở vùng khác", Vakos nói. "Hãy nhìn xem, chẳng còn màu xanh nào quanh chúng tôi nữa. Mà ong thì không thể sống nếu thiếu cây".
Hồng Hạnh (Theo AFP)